Hướng dẫn cách cho trẻ nhỏ ăn dặm khi đang bệnh mau hồi phục

Hướng dẫn cách cho trẻ nhỏ ăn dặm khi đang bệnh mau hồi phục

29/12/2020 10:12
Có rất nhiều lí do khác nhau khiến trẻ bị bệnh, trẻ mệt từ đó trẻ lười ăn hơn, nhõng nhẽo hơn. Vậy làm cách nào để con mau khỏe và trở lại sinh hoạt bình thường, hãy tham khảo nội dung bài viết dưới đây từ Ăn dặm 3in1 nhé!

Ăn gì khi con bị tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng bé đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần một ngày. Trẻ từ 6 đến 2 tuổi thường dễ bị tiêu chảy do hệ tiêu hóa còn non nớt. Tiêu chảy cấp thường diễn ra trong khoảng 1 tuần, thậm chí 14 ngày. Trên thời gian đó là bé đã bị tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy khiến cơ thể bé bị mất nước và mất muối, tiêu chảy kéo dài có thể khiến bé bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.
 
Nguyên nhân gây tiêu chảy: ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn, thức ăn nhiễm khuẩn. Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, thì chế độ ăn đặc biệt quan trọng.
 
Khi bé bị tiêu chảy, cho bé uống nước điện giải Oresol hoặc nước cháo muối, mẹ pha 1 gói Oresol vào 1 lít nước sạch, lắc kỹ để hòa tan và dùng trong 24 giờ. Quá thời gian đó hãy pha lại dung dịch mới. Hoặc mẹ dùng một nắm gạo (khoảng 3g), một muỗng muối (3,5g) và 6 bát cơm nước sạch rồi đun nhừ, lọc qua rá, lấy khoảng 5 bát nước cho bé uống dần. Bé dưới 2 tuổi uống 50-100 ml, bé trên 2 tuổi uống 100-120 ml sau mỗi lần đi ngoài.
 
Các loại thực phẩm nên dùng khi bé bị tiêu chảy: gạo, thịt lợn nạc, thịt gà nạc, trứng, sữa, dầu ăn, khoai tây, hồng xiêm, cà rốt. Cho bé ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín như chuối, xoài, cam, đu đủ, ổi…
Các loại thực phẩm nên tránh: thực phẩm có nhiều chất xơ, ít dinh dưỡng ,tinh bột nguyên hạt vì bé khó tiêu hóa. Không ăn các món có nhiều đường vì có thể làm bệnh nặng hơn.
Cho bé ăn càng nhiều càng tốt để bổ sung dinh dưỡng. Nếu bé bị nôn trớ thì cho ăn mỗi bữa ít đi nhưng tăng số bữa lên, thức ăn nấu mềm và loãng hơn để bé dễ tiêu hóa, chế biến đảm bảo vệ sinh.

Ăn gì khi con bị táo bón

Táo bón là hiện tượng bé đi ngoài phải rặn, phân khô và rắn, có thể dính máu do cọ xát gây rách niêm mạc trực tràng, hậu môn, hoặc khoảng cách giữa 2 lần đại tiện quá xa nhau (nếu trên 3 ngày mới đi ngoài 1 lần thì dù phân mềm, lỏng vẫn được coi là táo bón).
Nguyên nhân gây táo bón và cách xử trí:
  • Táo bón do chế độ ăn: Bé ăn uống ít chất xơ, uống ít nước, ăn quá nhiều chất đạm, kém ăn, ăn chủ yếu thức ăn nhân tạo (các loại bột ăn liền đều có lượng chất xơ thấp hơn cần thiết) sẽ có khả năng bị táo bón cao.
  • Táo bón do bệnh: bé dễ bị táo bón khi mắc các bệnh rối loạn vi khuẩn đường ruột, phình đại tràng, hội chứng ruột dài, cơ thành bụng yếu, rối loạn điện giải khiến chất Kali giảm ...
  • Táo bón do phản xạ ức chế: thói quen nhịn đi ngoài do bé sợ bẩn, sợ mùi, sợ bị đau do những lần đi ngoài trước, bé không tập trung khi đi ngoài hoặc việc bố mẹ lạm dụng thuốc nhuận tràng hay tháo thụt đều khiến bé bị táo bón và bị lại nhiều lần
Bất kể bé bị táo bón vì nguyên nhân gì thì việc áp dụng một chế độ ăn hợp lý cộng với thói quen vệ sinh tốt vẫn là cần thiết và đúng đắn
  • Cho bé ăn đủ lượng chất xơ có trong rau và hoa quả tùy theo độ tuổi. Tăng cường các thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, chuối, đu đủ, rau đay, mùng tơi, rau dền, rau khoai lang, sữa chua... Các loại thịt đỏ (trâu, bò, cừu) ăn lượng vừa đủ, vì thừa protein cũng gây táo bón. Hạn chế các thực phẩm gây táo bón như hoa quả có vị chát gồm ổi, táo, hồng xiêm, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa cafein như sô cô la, cà phê, nước chè, nước ngọt có ga... Hạn chế thức ăn nhân tạo, cho bé ăn đa dạng thức ăn mẹ tự chế biến. Cho bé uống đủ nước
  • Tập cho bé thói quen đi ngoài đều đặn và tập trung, không cho bé cầm đồ chơi, xem sách, không kể chuyện cho bé.
  • Mẹ không nên tự ý cho bé dùng thuốc nhuận tràng hoặc tháo thụt thường xuyên không theo chỉ định của bác sĩ. Những việc này có thể khiến cho ruột của bé trở nên lười nhác, chứng táo bón càng kéo dài và nặng hơn.

Ăn gì khi con bị sốt

Nếu nhiệt độ cơ thể của bé trên 37.5 độ C, nghĩa là bé đã bị sốt. Sốt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh và nhiều hiện tượng, do cơ thể phản ứng với các bệnh nhiễm khuẩn như viêm mũi họng, viêm amydal, nhiễm virut, viêm phổi... do cơ thể bị nóng lạnh đột ngột hoặc có những có những biến đổi về chuyển hoá. Nếu bé sốt 3-4 ngày, có bị sổ mũi, hắt hơi hay phát ban nhưng vẫn tỉnh táo và ăn uống được thì đó thường là sốt lành tính. Nếu bé sốt kèm các dấu hiệu như li bì, khó thở, vật vã... thì hãy đưa bé đi khám ngay.
 
Thường khi sốt bé sẽ chán ăn, vì thế đồ ăn nên chế biến loãng, dễ nuốt, ưu tiên những món hợp khẩu vị và cho bé ăn nhiều bữa. Thịt gà, bò, rau xanh là các món lành đối với bé lúc này. Các món ăn mát như cháo đậu xanh hạt sen, các món canh rau xanh...
 
Khi bé sốt cũng bị mất nước, rối loại điện giải nên mẹ cho bé uống nhiều nước, nhất là nước quả tươi như nước cam, nước dừa, nước dưa hấu, sinh tố xoài, sữa chua cũng rất tốt. Mẹ có thể làm mát một chút các thức uống này để bé dễ uống bằng cách bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, nhưng nhớ không nên bỏ đá trực tiếp vào để tránh nhiễm khuẩn.

Ăn gì khi con bị nôn trớ

Nôn trớ là hiện tượng các chất chứa trong dạ dày (thức ăn, dịch dạ dày...) bị tống ra ngoài theo đường miệng. Có khoảng 20-50% bé sơ sinh thường bị nôn trớ sau khi ăn do dạ dày của bé chưa phát triển hoàn thiện, nhưng ngoài 12 tháng tuổi sẽ giảm dần và khỏi hẳn. Nôn trớ cũng là một triệu chứng thường gặp khi trẻ bị 1 số bệnh, mẹ nên đưa bé đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp và chuẩn bị cho bé một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Dù sao mẹ cũng nên xác định tinh thần là bé sẽ nôn trớ ít nhiều trong giai đoạn đầu đời.
 

Nguyên nhân và cách xử lý 

Do các vấn đề về dinh dưỡng

  • Ngộ độc/dị ứng thức ăn -> Ngừng cho bé ăn thức ăn gây ngộ độc/dị ứng, để bé nôn hết phần thức ăn đã ăn, không dùng thuốc chống nôn. Chuyển sang cho bé ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và ăn làm nhiều bữa để bù lại.
  • Ép ăn khiến bé sợ và có phản xạ nôn trớ. –> Không ép bé ăn
  • Mùi vị/loại thức ăn không hợp với bé -> Chọn thức ăn hợp khẩu vị với bé
  • Bé ăn quá no -> Tránh cho bé ăn quá no. Khi ăn xong ôm bé hoặc đặt bé ở tư thế đầu cao hơn thân khoảng 10-15 phút
  •  Kỹ thuật đưa thức ăn vào miệng bé không đúng -> Không cho bé ăn miếng quá lớn. Không để thìa trong miệng trẻ quá lâu khiến thìa chạm vào răng, họng gây phản xạ nôn.

Nôn trớ do bệnh

  • Các bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp môn vị, viêm ruột, tiêu chảy cấp, viêm tai mũi họng, viêm phổi và nhiều bệnh khác đều có thể khiến bé bị nôn trớ. Khi bị bệnh, ngoài việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, mẹ cần cho bé một chế độ ăn hợp lý.
  • Với đa số các bệnh gây nôn trớ, mẹ nên cho bé ăn thức ăn dễ tiêu, ít xơ (thịt lợn, thịt gà, cà rốt, đu đủ, chuối, sữa chua) chế biến lỏng, tránh các thức ăn gây đầy hơi, chướng bụng (bắp cải, súp lơ, táo, đậu, đồ chiên, xào nhiều chất béo), ăn làm nhiều bữa nhỏ. - - - Riêng đối với bệnh trào ngược thực quản, mẹ cũng cho bé ăn làm nhiều bữa, các thức ăn dễ tiêu, nhưng nên chế biến đặc hơn.

Ăn gì khi con bị thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng lượng huyết sắc tố (Hb) trong một đơn vị thể tích máu thấp. Theo WHO, bé từ 6 tháng đến 6 tuổi nếu Hb dưới 110g/lít thì được coi là thiếu máu. Thiếu máu dinh dưỡng hay gặp ở trẻ em, và nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sắt. Thiếu máu sẽ khiến bé vận động kém, trí óc không linh hoạt, hay buồn ngủ , khó thở, dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác.
 
Ngoài việc bổ sung sắt cho bé theo chỉ định của bác sĩ, mẹ nên chuẩn bị một thực đơn giàu sắt cho bé. Các loại thực phẩm giàu chất sắt gồm tim, gan, bầu dục, trứng, thịt, tôm, cua, đậu phụ, đỗ các loại rau xanh đậm như súp lơ, rau dền, rau ngót, cải xoong... Mẹ cũng tăng cường cho bé ăn rau quả giàu vitamin C như cam, quýt, chuối, đu đủ, rau ngót, rau muống... vì vitamin C giúp hấp thu sắt.
 

Ăn gì khi con bị còi xương

Còi xương là hiện tượng xương phát triển chậm, xưng bị xốp mềm, nếu bệnh nặng, xương có thể bị biến dạng, bé sẽ ốm yếu, vận động kém, tinh thần uể oải, dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là viêm phổi. Bệnh còi xương hay gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi và ở Việt Nam tỉ lệ trẻ mắc bệnh còi xương khá cao. Nếu bé sơ sinh có các biểu hiện như ngủ không ngon,, quấy khóc đêm, rụng tóc phía sau đầu, xương sợ mềm, thóp rộng chậm liền, đầu to có bướu và bé lớn hơn các biểu hiện cơ nhẽo, chậm các kỹ năng vận động, lồng ngực biến dạng, chân đi chữ bát hoặc vòng kiêng... thì bố mẹ nên đưa bé đi khám
 
Nhưng bệnh còi xương không nguy hiểm nếu bố mẹ phát hiện sớm và có biện pháp hợp lý.
 
Nguyên nhân gây còi xương: Là do cơ thể bé thiếu vitamin D gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hoá canxi. Vitamin D có rất ít trong thực phẩm, nguồn cung cấp vi chất này chủ yếu là do cơ thể tổng hợp từ tiền chất vitamin D nằm dưới da dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Hiện tượng thiếu vitamin D có thể là do bé thiếu ánh sáng mặt trời, do mẹ thiếu vitamin D trong thai kỳ, hoặc do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
 
Để phòng tránh và chữa còi xương, ngoài việc cho bé tắm nắng buổi sáng, phòng ở thoáng mát nhiều ánh sáng, uống vitamin D theo chỉ định của bác sĩ, mẹ nên cho bé một chế độ ăn giàu canxi, và ưu tiên các thực phẩm có chứa vitamin D.
  • Cho bé bú mẹ đến 2 tuổi. Vitamin D trong sữa mẹ rất dễ hấp thu.
  • Cho bé ăn các thức ăn chứa Vitamin D như gan động vật, cá, trứng, sò, nấm, dầu cá và các loại dầu ăn cho em bé bổ sung vi chất này...
  • Cho thêm dầu mỡ và bữa ăn cho bé vì vitamin D hoà tan trong dầu mỡ, nếu thiếu dầu mỡ bé không thể hấp thu vi chất này.
  • Cho bé ăn các thực phẩm giàu canxi như sữa, cua, tôm, cá.. Nhiều mẹ cho rằng "Ăn xương bổ xương" nên thường xuyên hầm xương lợn, xương gà cho bé ăn là rất sai lầm. Thực tế lượng canxi trong nước hầm rất ít.

Ăn gì khi con bị suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là tình trạng bé bị thiếu các chất dinh dưỡng cho sự phát triển bình thường của cơ thể, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chât và tinh thần của bé. Các bé dưới 5 tuổi thường mắc bệnh này, dù ở mỗi bé mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bé suy dinh dưỡng thường có hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn..
 
Nguyên nhân của bệnh này là do chế độ ăn của bé thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu như đạm, mỡ, đường, vitamin và các vi chất dinh dưỡng. Đấy có thể là sai lầm của mẹ khi cho bé ăn uống thiếu cân đối, hoặc phương pháp cho bé ăn không đúng khiến bé chán ăn. Hoặc bé bị ốm đau kéo dài cũng thường kém ăn và có nguy cơ suy dinh dưỡng cao.
 
Bố mẹ nên theo dõi sự tăng trưởng chiều cao cân nặng của bé theo biểu đồ và đưa bé đi khám khi cần thiết. Trong điều trị bệnh ngày thì chế độ ăn giàu dinh dững là đặc biệt quan trọng.
  • Cho bé bú mẹ càng lâu càng tốt, ít nhất đến khi 2 tuổi
  • Tăng số bữa ăn cho bé, đảm bảo mỗi bữa đều đủ chất bột, thịt, cá, trứng, dầu mỡ và rau
  • Đổi món liên tục, tạo không khí bữa ăn thú vị, tích cực cho bé vận động thể chất để bé ăn ngon miệng và ăn nhiều hơn.

Ăn gì khi con bị ho

Ho là một phản ứng của cơ thể nhằm tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài, giống như một cơ chế bảo vệ bộ máy hô hấp. Ho không phải là một bệnh, mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Bé có thể bị ho do cảm lạnh, thường kèm chảy nước mũi và sốt. Bệnh do vi rút gây ra nên dùng kháng sinh không có tác dụng, chỉ điều trị triệu chứng và chăm sóc tại nhà là bé có thể khỏi trong vòng 2 tuần. Nhưng ho cũng có thể do bé bị viêm đường hô hấp trên (viên mũi họng, viêm tai giữa, viêm VA, amydal) hoặc viêm đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, khí quản, phế quản, phổi).
 
Bé bị ho thường đau rát họng nên mẹ hãy nấu các món dễ nuốt, dễ tiêu, các món loãng cũng làm loãng đờm nhớt giúp bé đỡ ho và ăn bớt nôn trớ. Vẫn nên cho dầu mỡ vào bát bột/cháo của bé. Cho bé ăn các thực phẩm giàu kẽm, sắt, vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng như thịt bò, thịt gà, trứng, rau quả có màu xanh đậm và đỏ như rau dền, bí đỏ, táo, lê...
 
Mẹ tránh cho bé ăn thực phẩm lạnh, các thực phẩm béo, ngọt (lạc, socola...), đồ chiên rán vì sẽ khiến đờm sinh ra nhiều hơn. Theo dân gian khi bị ho thì kiêng ăn thịt gà, tôm cua, cá nhưng điều này không có cơ sở khoa học, nên mẹ hãy yên tâm làm đa dạng bữa ăn cho bé. Tất nhiên không loại trừ khả năng 1 số bé nhạy cảm với mùi vị nên khi ho không hứng thú với các món có vị tanh. Cho bé ăn làm nhiều bữa nhỏ để tránh bé bị no dễ nôn trớ.

Táo bón 

Táo bón là một trong những bệnh bị chẩn đoán nhầm ở trẻ, nhất là trẻ bú mẹ. Táo bón là triệu chứng trẻ giảm số lần đi cầu, PHÂN TO, CỨNG và KHÓ ĐI, phải RẶN, khi đi ra bị chảy máu do bị nứt, tét hậu môn.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ
  • Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là ở chế độ ăn.
  • Một chế độ dinh dưỡng không đủ chất xơ, không đủ nước, uống nhiều sữa bò (nhiều canxi) thì trẻ có thể sẽ bị táo bón. Trong đó, uống quá nhiều sữa là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khiến trẻ bị táo bón. Nhiều trường hợp, mẹ sợ trẻ bị thấp còi, nghe lời khuyên cho trẻ uống 700 – 800 ml sữa khiến trẻ bị táo bón.
  • Từ chế độ ăn, trẻ sẽ bị táo bón do tâm lý. Tiến trình bệnh táo bón sẽ diễn ra như sau: đầu tiên, trẻ bị bón vì chế độ ăn -> phân bón làm cho trẻ đi cầu khó và đau -> trẻ sợ không dám đi cầu -> dù sau đó trẻ muốn đi cầu nhưng tâm lý sợ đau nên trẻ nín lại không dám đi nữa -> táo bón trở nên nặng hơn -> trẻ bị táo bón bởi tâm lý
  • Có một nguyên nhân khác là trẻ bị táo bón -> mẹ “bơm đít” -> hậu môn bị kích thích -> trẻ sợ không dám đi cầu -> lại táo bón. Do đó, người ta khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc bơm thụt hậu môn.
  • Tập “xi” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến táo bón. Mẹ tập “xi” sớm -> trẻ chưa sẵn sàng ngồi bô -> trẻ sợ (có thể sợ cái bô) -> trẻ nín đi cầu -> táo bón
  • Một lý do khác nữa khởi nguồn từ việc trẻ đi học, toilet ở trường bẩn làm trẻ sợ -> trẻ nhịn đi cầu-> trẻ táo bón.
  • Ngoài ra, còn một số yếu tố khác khiến trẻ bị táo bón như bệnh lý về tuyến giáp, hoặc do di truyền

Trẻ bú mẹ ít đi cầu không phải là táo bón 

Nhiều trẻ bú mẹ đi cầu ít, có khi vài ngày mới đi một lần là mẹ đã cho rằng trẻ táo bón. Tuy nhiên tiêu chuẩn số lần đi cầu không nói lên được triệu chứng táo bón. Bởi số lần đi của trẻ không trẻ nào giống trẻ nào, đặc biệt là trẻ bú mẹ. Do đó, mẹ cần biết về biểu hiện sinh lý bình thường của trẻ sơ sinh:
 
Ở tháng đầu tiên, đường ruột của trẻ chưa trưởng thành, sữa mẹ chưa được hấp thụ hết nên trẻ “xì xoẹt” hoài. Có khi có bọt hoặc có lẫn sữa ở trong phân
 
Qua đến tháng thứ 2, đường ruột của trẻ dần trưởng thành, trẻ sẽ hấp thụ được hết sữa mẹ. Do đó, trong khoảng 5 – 7 ngày, có khi đến gần 2 tuần, trẻ mới đi một lần, phân vẫn mềm, dẻo, không to và cứng, thì nghĩa là trẻ hấp thụ quá tốt, hấp thụ hết toàn bộ dưỡng chất có trong sữa mẹ, chứ không phải là táo bón
 
Do đó, những trường hợp trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, không đi cầu nhưng vẫn đi tiểu đều, nghĩa là trẻ bú tốt, chơi vui vẻ, thì trẻ không cần phải bơm thụt hậu môn. Chỉ là trẻ chưa có đủ lượng phân để kích thích hậu môn đi cầu. Chỉ cần chờ đủ phân thì trẻ sẽ đi ra.
 

Trẻ không đi cầu do bệnh lý

Tất nhiên cũng sẽ có những trường hợp trẻ không có khả năng đi cầu bởi đoạn cuối đường ruột của trẻ không có những hạch thần kinh điều khiển co bóp đường ruột để tống phân ra ngoài. Nếu phần mềm mà trẻ vẫn không có khả năng đi, thì trường hợp này gọi là bệnh mất hạch thần kinh bẩm sinh,
 
Ngay khi sinh ra đời, đoạn cuối trực tràng và hậu môn của trẻ đã không có những hạch thần kinh đó rồi. Và triệu chứng của bệnh này là trong 48h đồng hồ trẻ không đi phân su được. Khi đó, người ta cần phải cho trẻ đi phân xu bằng cách phẫu thuật để trẻ đi cầu ở bụng trong lúc chờ tái tạo đường ruột ở dưới. Do đó, không có việc trẻ được 2 tháng tuổi, bú mẹ, không đi cầu trong vài ngày lại mắc bệnh này được. Vì thế, mẹ đừng lo lắng!
 
Cách ngăn ngừa và điều trị táo bón
Táo bón điều trị rất phức tạp và khá lâu dài. Nhất là táo bón liên quan đến tâm lý khiến cho trẻ sợ bị đi cầu thì khá khó trị. Do đó, cha mẹ cần có những hiểu biết nhất định, tránh tập "xi" sớm cho trẻ, nếu trẻ được gửi đi học thì cần kiểm tra vệ sinh ở trường và trao đổi vấn đề với giáo viên để tránh tâm lý lo sợ khiến trẻ bị táo bón.
 
Nếu trẻ bị táo bón do chế độ ăn, thì song hành với việc cho trẻ uống thuốc kéo dài đến 5-6 tháng (loại thuốc này giúp trẻ đi cầu dễ hơn, không bị đau để trẻ không còn sợ bị đi cầu), cha mẹ cần điều chỉnh lại khẩu phần ăn cho phù hợp, giảm số lượng sữa uống hằng ngày cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước hơn để phân mềm, giúp trẻ rặn ị dễ hơn.
Tham khảo: sách " Sổ tay ăn dặm của mẹ" Bs Lê Thị Hải. 
Sách:"Để con được ốm" Uyên Bùi và Bs Trí Đoàn

Tin liên quan

Thong ke

Video