Bách khoa toàn thư về biếng ăn

Bách khoa toàn thư về biếng ăn

27/04/2018 11:04
Hiện trẻ biếng ăn có thể được coi là một vấn nạn tại Việt Nam, đi khắp tất cả các diễn đàn về mẹ và bé đều không khó để gặp những câu hỏi xung quanh vấn đề này. Vậy định nghĩa rõ ràng thế nào là biếng ăn, biếng ăn có những dạng nào, nguyên nhân và cách xử lý ra sao?

FamiCook đã tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu và từ bản thân mình để viết ra bài này. Hi vọng khi hiểu được cốt lõi của vấn đề, các mẹ sẽ vững tâm hơn để cùng con lớn lên!

1. Như thế nào được gọi là trẻ biếng ăn?

Định nghĩa về trẻ biếng ăn là một định nghĩa vô cùng trừu tượng và bị biến đổi rất nhiều theo suy nghĩ của từng người. Tuy nhiên, chúng ta có thể coi những biểu hiện sau đây là biểu hiện dành cho trẻ biếng ăn:

Trẻ từ 0 đến 6 tháng: Lượng bú dưới 500ml/ngày và trẻ có những dấu hiệu của việc bú không đủ lượng sữa (ngủ không đủ, ăn vặt ngủ vặt, quấy khóc, nước tiểu vàng...)

Trẻ từ 6 – 12 tháng:

  • Lượng bú dưới 450ml/ngày và trẻ có những dấu hiệu của việc bú không đủ lượng sữa (ngủ không đủ, ăn vặt, ngủ vặt, quấy khóc, nước tiểu vàng...)
  • Trẻ hầu như không ăn dặm – bữa ăn kéo dài hàng tiếng – trẻ thích nhè thức ăn hơn thích nuốt
  • Trẻ sợ ăn dặm, khóc lóc khi nhìn thấy đồ ăn

Trẻ từ 1 tuổi trở lên:

  • Trẻ chỉ thích bú sữa không ăn dặm
  • Bữa ăn kéo dài trên 40 phút đến hàng tiếng.
  • Trẻ hầu như không ăn hoặc ăn ít hơn 3/4 lần so với lượng ăn gợi ý trong một ngày
  • Trẻ có các dấu hiệu ăn không đủ so với nhu cầu. Trẻ được chẩn đoán thiếu vi chất dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng. Trẻ gặp phải các vấn đề liên quan đến sự phát triển thể chất và trí não mà được chẩn đoán là do chế độ dinh dưỡng kém và thiếu hụt.
  • Tinh thần ăn uống của trẻ kém
  • Trẻ cần phải có tivi, được đi ăn rong, được múa hát, phải dỗ dành nịnh nọt mới chịu ăn
  • Trẻ không biết nhai.

2. Nguyên nhân trẻ bị biếng ăn

Trẻ bị biếng ăn sinh lý: Thường rơi vào các giai đoạn tuần khủng hoảng.

Trẻ từ 0 – 18 tháng trải qua 10 kỳ phát triển vượt bậc vào các tuần 4-8-12-19-26-37-46-55-64-75, sau đó cứ 6 tháng 1 lần trẻ rơi vào các giai đoạn khủng hoảng do phát triển trí não và tinh thần (khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3). Tương ứng với sự phát triển của trẻ là việc trẻ bị biếng ăn sinh lý, do cơ thể tập trung vào việc luyện tập các kỹ năng mà tạm thời quên đi nhu cầu năng lượng.

Trẻ biếng ăn do ốm/bệnh: Cơ chế của cơ thể khi bị ốm đó là tạm thời giảm thiểu các chức năng nạp năng lượng để tập trung chiến đấu với virus vi khuẩn. Ngoài ra việc bị ốm và không hoạt động nhiều khiến trẻ tiêu hoa ít năng lượng hơn nên đòi hỏi nạp thêm năng lượng vào cơ thể cũng giảm sút

Trẻ bị bệnh lý đường tiêu hóa: Trường hợp tiêu chảy do tổn thương niêm mạc ruột là nơi sản xuất ra các men tiêu hóa và hấp thu thức ăn, khi bị tổn thương men tiêu hóa giảm, trẻ cũng dễ bị đầy bụng, mặt khác khi bị tiêu chảy kéo dài sẽ dẫn đến thiếu các vi chất dinh dưỡng như: kẽm, sắt, acid folic... cũng gây nên tình trạng biếng ăn của trẻ. Việc mẹ sử dụng bừa bãi, các loại thuốc kháng sinh, men tiêu hóa cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị biếng ăn.

Trẻ mọc răng: Khi mọc răng, lợi của trẻ sưng, đỏ và đau khiến trẻ không còn hứng thú muốn ăn.

Trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng: Các vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm) tham gia vào quá trình chuyển hóa trong cơ thể, tham gia vào cấu tạo các men xúc tác các phản ứng hóa học trong cơ thể nên cũng có thể khiến trẻ biếng ăn. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị thiếu chất, hãy khám cho con tại cơ sở y tế uy tín, kiểm tra triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm xem bé bị thiếu chât gì, thiếu bao nhiêu và cần bổ sung bằng con đường nào.

Không có nếp sinh hoạt hoặc nếp sinh hoạt không hợp lý: Việc cho trẻ ăn vặt linh tinh, ăn quá nhiều bữa trong 1 ngày, bú quá nhiều trong 1 đêm cũng là nguyên nhân khiến trẻ lưng lửng bụng và không thể ăn một bữa tươm tất. Gia đình cho con ăn quá nhiều bữa, dẫn đến ăn vặt. Khi trẻ ăn vặt thì không học được cách ăn no và trữ năng lượng lâu. Do đó, trẻ luôn đói nhưng ăn rất ít và kén ăn.

Sai lầm về ăn uống:

Gia đình cho con ăn thực đơn chưa cân bằng, nhiều đồ ăn ngọt và thực phẩm chứa nhiều tinh bột. Những món ăn dạng này làm trẻ nhanh no nhưng là năng lượng rỗng, do đó khi đến bữa ăn, khi con cần nạp những thức ăn bổ dưỡng giàu chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng thì nhu cầu năng lượng của con đã bị triệt tiêu bởi con đã ăn quá nhiều đường từ trước đó.
Thậm chí nhiều gia đình cho con ăn “thức ăn kì diệu”: các loại thực phẩm chức năng có tác dụng thay thức ăn, khi uống thực phẩm chức năng này, nhu cầu năng lượng của trẻ càng giảm (do thực phẩm này đã cung cấp tương đối năng lượng), việc chán ăn, sợ ăn càng khó khắc phục.
Nhiều gia đình cho ăn quá mặn, con uống nhiều nước. Cơ thể bị giữ nước làm con tăng cân giả tạo, nhưng người mệt mỏi và vị giác giảm. Do đó, khẩu vị con cũng bị ảnh hưởng.

Biếng ăn tâm lý

Người cho ăn gây áp lực cho con trong bữa ăn khiến mỗi bữa ăn trở nên nặng nè và khổ sở: đánh đập, bóp mồm trẻ, biến bữa ăn của trẻ thành một cuộc chiến với nỗi sợ kinh hoàng. Một số trẻ đang ở thời kỳ biếng ăn sinh lý, mẹ không nhạy cảm nhận rõ thời kỳ này nên ép con và con chuyển thành biếng ăn tâm lý.
Trẻ gặp phải cú sốc tâm lý: Có thể do thay đổi môi trường sống như mới đi học, chuyển nhà hoặc gặp phải nỗi sợ hãi, ám ảnh nào đó hoặc vừa mất đi điều gì đó trẻ vô cùng yêu thương cũng gây ra biếng ăn ở trẻ.

Trẻ biếng ăn do tâm lý của cha mẹ:

Mẹ sợ con đói nên cho ăn nhiều lần hơn so với thực tế con cần. Lượng thức ăn quá nhiều làm con cảm thấy quá sức, đuối sức như một người phải chạy một cuộc marathon đường dài tưởng chừng không bao giờ hết. Kỳ vọng không tưởng về khối lượng con cần ăn, tâm lý ăn để dành cho con khi ốm “ngót đi là vừa”, khái niệm sai lầm về “trẻ phải bụ phải béo” làm ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển thể chất và sinh lý của con.
Hơn thế, khi nguy cơ béo phì đến gần, các bệnh về tim mạch tiểu đường tăng nhanh, khả năng vận động giảm do đó nhu cầu cung cấp năng lượng cho hoạt động hằng ngày giảm trong khi con lại được “nhồi” một lượng thức ăn lớn hơn những gì con cần, càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Gia đình cho con ăn thụ động từ nhỏ. Khi bé thì mẹ thấy con chỉ ti mẹ khi ngủ, ăn trong trạng thái vô thức, dựa vào phản xạ mút tự nhiên của con mà đưa thức ăn vào cơ thể. Lớn dần khi thời gian ngủ của con giảm xuống, khi con ít ngủ hơn thì việc chờ con ngủ để cho con ăn càng trở nên khó khăn hơn, nhiều bé chỉ bú mẹ vào ban đêm khi giấc ngủ đêm bị gián đoạn và việc cho ăn khi con thức và tỉnh táo trở nên cực vất vả, bởi con không có khái niệm đói cũng như có sự liên hệ nguyên nhân – kết quả: đói thì phải ăn, ăn thì sẽ hết đói.
Do đó, con sao nhãng, mải chơi không muốn nằm, ngồi 1 chỗ để ăn. Việc ăn thụ động càng đi xa hơn, mẹ chỉ chờ con ngủ mới đút sữa, gia đình ép con ăn, cho con ăn khi đi chơi, ở sân chơi hay trước màn hình tivi và các thiết bị điện tử khác, lợi dụng sự sao nhãng để đút thức ăn cho con. Lâu dài việc ăn thụ động càng trở nên trầm trọng và việc con dọa non, dọa nhịn ăn là một trong nhiều cớ để hành xử xấu nhằm thu hút sự chú ý của người lớn và đạt được cái mình muốn một cách rất tiêu cực.

3. Trẻ ăn ít có bình thường không?

Nếu không gặp phải các nguyên nhân bị biếng ăn ở trên thì bé sẽ ăn đủ với nhu cầu của chính bản thân mình. Tuy nhiên cha mẹ đánh đồng nhu cầu của mình với nhu cầu của con. Nhu cầu và kì vọng của cha mẹ nhiều khi quá cao khiến cha mẹ nghĩ rằng con ăn ít hay bị biếng ăn.

Trẻ ăn ít là những trẻ có lượng ăn ít hơn 1⁄2-3⁄4 so với lượng ăn được gợi ý trong các hướng dẫn ăn uống hoặc ít hơn “con nhà người ta”, tuy nhiên bé vẫn có thái độ ăn tích cực, không có các dấu hiệu bị thiếu ăn, phát triển thể chất và trí não bình thường, kết quả kiểm tra sức khoẻ cho thấy trẻ không bị thiếu chất hay bị một bệnh lý dinh dưỡng nào.

Như vậy, trẻ ăn ít hoàn toàn bình thường – chỉ có tâm lý của người lớn cứ áp đặt rằng trẻ ăn như thế là ít mới là bất thường.

4. Hệ quả khi trẻ biếng ăn

Biếng ăn tâm lý là hệ quả nặng nề nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần cũng như sự hình thành tính cách của bé. Nếu bé bị ép ăn trong một thời gian dài sẽ có thái độ sợ hãi, thù địch khi đến giờ ăn và có thể chống đối hoặc làm mọi cách để không phải ăn.

Giờ ăn của trẻ trở thành một cuộc chiến đúng nghĩa với sự nức nở của đứa bé và những lời quát tháo roi vọt của người lớn. Đứa trẻ lớn lên trong môi trường bị can thiệp thô bạo vào quyền cá nhân sẽ học được cách can thiệp thô bạo vào quyền cá nhân của người khác. Một đứa trẻ từ nhỏ luôn bị quát mắng thì lớn lên sẽ cảm thấy tự tin và thậm chí có thể ưa thích bạo lực.

Các bé bị ép ăn lâu ngày khi ăn có thể mất hết vị giác đối với thực phẩm, trẻ ăn mà không biết nó có ngon hay không, ăn mà không biết thế nào là no là đủ để rồi mắc các bệnh về đường tiêu hoá và béo phì, tiểu đường.

Nếu biếng ăn lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng dẫn đến chậm phát triển thể chất, trí não, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, thiếu máu và hậu quả cuối cùng là bị suy dinh dưỡng. Một khi sức khoẻ không đủ trẻ dễ cáu gắt, và kém năng động, khiến trẻ bỏ lỡ nhiều hoạt động vui chơi cần năng lượng.

Tâm lý của cha mẹ trẻ biếng ăn là chỉ cần con ăn cái gì cũng được, nên chiều theo con để con ăn cả những thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ. Hệ quả là trẻ không những không hết biếng ăn mà càng biếng ăn thêm vì tác hại do những thực phẩm “bẩn” gây nên.

5. Kế hoạch hỗ trợ trẻ tìm thấy niềm vui trong ăn uống

Đầu tiên bố mẹ phải xác định nguyên nhân trẻ bị biếng ăn, nếu bạn không tìm ra chính xác nguyên nhân trẻ bị biếng ăn thì mọi giải pháp của bạn đề ra chỉ mang tính tình thế. Nếu nguyên nhân biếng ăn của trẻ có liên quan đến các vấn đề sức khoẻ thì bạn nên đưa bé đi khám tại các bệnh viện, các bác sĩ có uy tín và có chuyên môn cao.

Nếu trẻ bị biếng ăn kéo dài bạn cũng nên đưa con đi khám (khám lâm sàng và xét nghiệm các chỉ tiêu) để bổ sung kịp thời những vi chất bị thiếu. Hãy hỏi bác sĩ thật kĩ tình trạng của bé, nếu trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng thì ở mức độ nào, có gì đáng lo ngại hay ảnh hưởng tới sức khoẻ không và nên bổ sung bằng hình thức gì. Sau đó về nhà, bạn hãy tham khảo thêm ý kiến từ những người có chuyên môn, thậm chí có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ khác rồi hãy đưa ra quyết định cho mình.

Điều chỉnh tâm lý người lớn

Trong tất cả các trường hợp trị chứng biếng ăn của trẻ thì việc điều chỉnh tâm lý của người lớn là bước quan trọng nhất để giúp trẻ có niềm yêu thích với thức ăn. Nếu người lớn không đủ tỉnh táo để nhận ra nguyên nhân thực sự - đủ hiểu biết để hiểu rõ các thời kỳ phát triển của trẻ nhỏ - đủ kiến thức về dinh dưỡng, sự phát triển thể chất của trẻ - đủ kiên trì để vượt qua các giai đoạn khó ăn của con – đủ dũng cảm để cho con cơ hội đói – đủ vững vàng để không rơi vào cái bẫy tâm lý “con nhà người ta” và “tâm lý đám đông” – đủ tôn trọng để lắng nghe nhu cầu của con hơn là của chính bản thân mình – đủ nhất quán và kiên quyết để làm người dẫn đường cho con con đường đúng và để bản thân luôn kiên trì với quá trình ăn dặm của con – thì bạn có làm đủ mọi cách cũng chưa chắc đã khiến tình trạng của con khá hơn được

“Kế hoạch giúp con hết biếng ăn không thể chỉ thành công sau 1-2 ngày mà nó là cả 1 quá trình dài, đầy chông gai và mệt mỏi. Thời gian con biếng ăn càng lâu, tâm lý biếng ăn của con càng bất ổn thì bạn còn cần phải kiên nhẫn và cố gắng càng nhiều, càng dài. Hãy đặt mục tiêu dài hạn , không phải tính bằng tuần mà có thể bằng tháng, bằng năm tuỳ theo mức độ và thời gian biếng ăn của trẻ.

Thiết lập và điều chỉnh lại nếp sinh hoạt hợp lý

Cho dù nguyên nhân biếng ăn của con bạn là gì thì việc cho trẻ một nếp sinh hoạt ổn định cũng là việc làm trước tiên.

Có thể tham khảo nếp sinh hoạt EASY (Chương 1 cuốn Nuôi con không phải là cuộc chiến), tuy nhiên không nhất thiết phải giống hệt như những gợi ý trong cuốn sách. Tuy vậy bạn cần nắm rõ một nguyên tắc rằng nếp sinh hoạt này cần cố định tức là trong các khoảng thời gian gần như trùng khớp nhau trong tất cả các ngày. Hãy dựa vào nhịp sinh học của con, quan sát thời điểm khi nào con buồn ngủ, con mệt, con đói để điều chỉnh lịch sinh hoạt theo sát những thời gian đó. Bạn hãy nương theo con chứ không phải làm nô lệ cho chiếc đồng hồ

CHU KỲ EASY 3H

- Khi nào: Bé từ 0-3 tháng tuổi.

- Cách làm: Cho ăn cách nhau 3 giờ. Cho con ngủ ứng theo bảng thời gian thức tối đa, hoặc mẹ nhìn tín hiệu của con và đặt con ngủ.

- Một bé mới sinh, đủ ngày đủ tháng và cân nặng đạt trên 2,7kg có đủ kỹ năng và khả năng tích trữ năng lượng trong 3 giờ. Có nghĩa là nếu bé ăn no thì 3h sau bé mới đói. Do đó, bé sơ sinh đủ cân đủ tháng sẽ phù hợp với chu kỳ EASY 3 giờ. Chu kỳ này sẽ theo bé đến 2-3 tháng tuổi.

- Một ngày của chu kỳ sinh hoạt EASY 3h:
Giả sử sáng bé dậy lúc 7h sáng (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé): - 7h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, chơi vận động(A).

  •  8h–10h: Bé ngủ giấc ngắn 1 (S) và mẹ nghỉ ngơi ( Y)
  • 10h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động(A).
  • 11h–13h: Bé ngủ giấc ngắn 2 (S) và mẹ nghỉ ngơi ( Y)
  • 13h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động(A)
  • 14h–16h: Bé ngủ giấc ngắn 3 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)
  • 16h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động(A)
  • 17h–17h30: Bé ngủ giấc ngắn 4 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)
  • 17h30: Bé tỉnh dậy sau một giấc ngắn 30’, bé chưa đói nên mẹ cho bé chơi
  • 18h30: Mẹ tắm cho bé và thức hiện trình tự chuẩn bị cho bé ngủ đêm
  • 19h: Bé ăn và đi ngủ đêm luôn.

CHU KỲ EASY 4H 

- Khi nào: Khi bé có tín hiệu cắt bớt một giấc ban ngày và giãn bữa ăn, thường ở mốc 3 tháng tuổi.

- Tín hiệu: Bé đang theo EASY 3h, tự nhiên ăn giảm sút, giấc ngủ ngày ngắn lại, giấc ngủ đêm có thể dậy nhiều lần, có hoặc không ăn nhưng rất khó để cho bé ngủ lại. Có bé nằm chơi giữa đêm khuya cả tiếng.

- Cách làm: Tăng thêm thời gian thức trước mỗi giấc ngủ ngày và trước giấc ngủ đêm. Ví dụ trước đây bé thức 1h, ngủ 2h thì khi có tín hiệu giấc ngủ này bị ngắn lại, mẹ có thể để bé thức 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng rồi để con ngủ 2 tiếng và dần chuyển các bữa ăn thưa ra.

- 4 tháng tuổi, khi dạ dày của bé phát triển hơn, bé lớn hơn và có khả năng ăn nhiều hơn ở một lần, hệ tiêu hóa phát triển chắt lọc được nhiều chất dinh dưỡng hơn từ thức ăn, khả năng tích trữ năng lượng cao hơn, bé có thể chuyển sang chu kỳ EASY 4h. Chu kỳ này sẽ theo bé đến 7 – 8 tháng tuổi, thậm chí lâu hơn đến hết năm đầu đời. Một số bé có thể cắt hoàn toàn ăn đêm từ thời điểm này, thậm chí nếu phát triển nhanh bé có thể đã sẵn sàng cho việc cắt ăn đêm và sinh hoạt chu kỳ 4h từ sớm rất nhiều.

- Với mẹ Hà (tác giả), bạn lớn Alexis sinh hoạt theo EASY 4h từ 4 tháng nhưng bạn bé Emily đã sẵn sàng với EASY 4h từ 8 tuần tuổi.

- Đây thường là lúc mà vấn đề trở nên trầm trọng nếu mẹ không linh hoạt cho con ăn thưa ra, khăng khăng thực hiện cho ăn quá dày đặc dẫn đến việc bé ăn vặt và ngủ vặt, cả ngày quấy khóc và đêm dậy nhiều lần.

- Một ngày của chu kỳ sinh hoạt EASY 4h:

  • Giả sử sáng bé dậy 7h (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé):
  • 7h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, vận động (A).
  • 9h–11h:Bé ngủ giấc ngắn 1(S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)
  • 11h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động(A).
  • 13h–15h: Bé ngủ giấc ngắn 2 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)
  • 15h: Bé ăn (E), sau đó bé được ợ hơi, được chơi vận động(A)
  • 17h–17h30: Bé ngủ giấc ngắn 3 (S) và mẹ nghỉ ngơi (Y)
  • 17h30: Mẹ có thể thực hiện một bữa ăn nhẹ NẾU BÉ HỢP TÁC VÀ ĐÃ NGỪNG ĂN ĐÊM.
  • 18h30: Mẹ tắm cho bé và thực hiện trình tự chuẩn bị cho bé ngủ đêm
  • 19h00: Bé ăn và đi ngủ đêm luôn. (Như trên)

- Ở độ tuổi này bé có thể dậy đêm ăn 1 lần, nhiều bé đã có thể tự kéo dài ngủ qua đêm đến 7h sáng hôm sau không cần dậy ăn. Tín hiệu cho mẹ biết con cần nghỉ ăn đêm là khi việc ăn uống ban ngày của trở nên khó khăn, con không hợp tác trong việc ăn uống do bé được cho bú nhiều vào đêm dẫn đến bú vặt ban ngày.

EASY 2-3-4

- Khi nào: Khi bé có tín hiệu muốn bỏ 1 giấc ngắn ban ngày. Ngày bé chỉ ngủ 2 giấc.

- Tín hiệu: Ngày cho ăn cách 4h con vẫn nhởn nhơ, chưa đói và không ăn hết phần. Ngày ngủ rất ngắn, có nhiều giấc 30-45 phút. Tối có thể khó ngủ, ngủ muộn. Đêm lại dậy. Có thể đêm đòi ăn hoặc nếu không đòi ăn thì nằm chơi cả buổi giữa đêm khuya mà không ngủ lại ngay.

- Cách thực hiện: Mẹ tăng thời gian thức của bé. Tăng thời gian thức đồng nghĩa với cho ăn thưa ra và lịch của bé trở về rất giống lịch sinh hoạt của một người lớn.

- Thông thường, Khoảng 7 tháng bé có xu hướng muốn chuyển từ lịch sinh hoạt 4h sang lịch sinh hoạt 2-3-4.

- Một ngày của chu kỳ 2-3-4 như sau:

Giả sử sáng bé dậy 7h (trong trường hợp bé dậy sớm hoặc muộn hơn thì chu kỳ sẽ xê dịch theo bé).
7h: Con dậy, bú + ăn dặm ngay. Sau đó thức tổng cộng (cả thời gian ăn) 2h.
9h: Mẹ cho con ngủ 2h.
11h: Con dậy, bú ngay. Sau đó thức (cộng cả thời gian ăn) 3h. 
4h: Mẹ cho con ngủ 1,5-2h. - 15h30/16h: Con dậy, mẹ cho con bú ngay.
Sau 3,5h từ khi con thức, mẹ cho con tắm. Sau đó con bú+ ăn dặm.
Đủ 4h từ lúc con thức dậy từ giấc ngủ ngày cuối cùng, con được đặt vào giường và ngủ hết đêm đến sáng hôm sau. Với chu kỳ 2-3-3 thì bé sẽ chỉ thức 3 tiếng là đi ngủ, chu kỳ này cũng có thể xê dịch thành chu kỳ 2-3-3.5

Đối với trẻ dưới 1 tuổi

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi, lúc này các cơ quan vị giác cũng như tiêu hoá chưa phát triển, do đó chỉ sữa mẹ hoặc sữa công thức là đủ cho con. Mẹ hãy cho ăn khi con đói và khi con ngừng hợp tác, hãy tôn trọng và dừng bữa tại đó. Lúc này trẻ ăn rất bản năng, không biết xã giao làm khách hay “tinh quái”, nếu được cho ăn và có nhu cầu con sẽ ăn. Tuy nhiên ở tuổi này mẹ lưu ý không để con ăn vặt, dạy ăn khoa học từ tuổi nhỏ là nền tảng cho thói quen ăn uống tích cực và giảm tối đa gánh nặng tâm lý sợ ăn của con và ở gia đình sau này. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể bú từ 4-8 lần sau mỗi 24h. Việc thiết kế lịch ăn ngủ điều độ và chu trình sinh hoạt cho con lúc này cực kỳ quan trọng và cần thiết, đặc biệt là nhiều mẹ còn đang nghỉ thai sản nên có thể trực tiếp cùng con thiết lập nếp sinh hoạt hằng ngày.

- Lúc này nếu con chán ăn, hoặc ăn vặt không thành bữa, đó là các dấu hiệu điển hình để mẹ cắt các bữa ăn đem và giãn thời gian giữa các bữa ăn ban ngày.

- Trẻ ở giai đoạn 6-12 tháng, đây là giai đoạn giới thiệu ăn dặm. Nhiều gia đình bắt tay vào ăn dặm với từng bát con thức ăn, làm cho con có cảm giác bước sang mốc 6 tháng, con buộc phải leo lên một đỉnh núi toàn thức ăn trong khi bản thân vẫn chưa sẵn sàng. Đây là giai đoạn giới thiệu, mọi thức ăn dặm đều mang tính chất làm quen, quen với những độ đậm đặc và các mùi vị mới, vì thế hãy tôn trọng con. Muốn có một khởi đầu êm đẹp, mẹ cần con hợp tác. Hãy để con chỉ đường cho cha mẹ, cho con ăn thành bữa, thời gian giữa các bữa ăn (kể cả sữa và bữa dặm) đều đủ xa để con cảm thấy đói (thường là 3h30’-4h). Giảm ăn đêm nếu thấy ban ngày con ăn không hiệu quả, cách này để con cảm thấy đói hơn vào ban ngày và tập trung ăn tích cực hơn. Nhiều gia đình cha mẹ thấy ban ngày con không ăn, sợ con đói lại tích cực cho ăn vào ban đêm, tạo thành vòng luẩn quẩn khó thoát, bởi con nạp năng lượng ban đêm đủ phần nào, ban ngày con ăn nhênh nhang và lại càng làm nhiều bậc ông bà cha mẹ sốt ruột dẫn đến cảnh nhồi – ép con ăn cả ngày cả đêm.

- Giai đoạn này ăn giới thiệu, có nghĩa là có những ngày con không ăn dặm, cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Năng lượng con vẫn nhận được từ sữa. Cha mẹ cũng cần nhìn nhận rằng thời điểm này nhu cầu năng lượng trên kg cân nặng của con giảm đi, hệ tiêu hoá của con phát triển hơn nên con có thể “vắt kiệt” chấ dinh dưỡng từ thức ăn 1 cách hiệu quả hơn, do đó có hiện tượng nhiều bé ăn rất ít mà vẫn chơi ngoan ngủ tốt. Nếu con cảm thấy bình thường, thì việc bé ăn ít là hoàn toàn bình thường với bé, hãy tôn trọng con! Đồng thời, cha mẹ cũng cần biết lượng thức ăn bao nhiêu là đủ. Thước đo chuẩn nhất là CON BẠN. Nếu con ngừng có nghĩa là con đã đủ. Nếu cha mẹ nào thực sự không yên tâm có thể tham khảo lượng thức ăn một cách khoa học, trung bình một bé mớt bắt đầu ăn dặm (6 tháng), chỉ ăn dặm 1 bữa 1 ngày vào buổi sáng, lượng thức ăn là một thìa nhỏ (15-30g)

- Trẻ giai đoạn 6-12 tháng: nếu con biếng ăn, cha mẹ có thể cân đối lại lượng sữa và lượng thức ăn tương ứng. Giãn cữ cho con, nếu con ăn quá dày, “làm mới” và giới thiệu lại ăn dặm cho con ở một trạng thái tích cực và hợp tác hơn. Nên nhớ, khi con ngừng ăn, hãy dừng bữa ăn và chỉ cho con ăn vào BỮA ĂN KẾ TIẾP, hạn chế tối đa cho con ăn bù, cho dù con có thể hơi quấy và có cảm giác đói. Đó là cách con học ăn tích cực và học mối liên hệ giữa cơn đói và thức ăn.

- Nếu bé sợ ăn vì bé không thích được đút thìa, bạn hãy thử tìm hiểu ăn dặm bé chỉ huy và cho bé chuyển sang phương pháp này. (Áp dụng BLW muộn) - Khi các bé rơi và giai đoạn biếng ăn sinh lý, bị ốm, thay đổi môi trường sống, sốc tâm lý... hãy kiên trì nhẫn nại chờ thời gian khủng hoảng qua đi, tìm cách giúp con dễ chịu hơn, giải toả khó chịu về sinh lý hoặc tinh thần cho con, không thúc ép, giục giã hay quát mắng con trong giờ ăn. Tạo không khí thoải mái vui vẻ cho con.

Đối với trẻ trên 1 tuổi

- Đây có thể được coi là giai đoạn đỉnh điểm của các trường hợp trẻ bị biếng ăn từ mức độ nhẹ đến nặng. Lúc này ăn đồ ăn thô đã đóng vai trò là bữa ăn chính và là nguồn thức ăn chủ yếu cung cấp năng lượng hằng ngày. Với các bé biếng ăn trường kỳ, sợ ăn thì việc khắc phục tâm lý này sẽ rất lâu dài, gian nan và đòi hỏi sự kiên trì rất lớn từ phía cha mẹ. Trước tiên cha mẹ phải vượt qua tâm lý “sợ con đói” của chính bản thân mình

- Giảm tối đa việc cho ăn thụ động bằng cách chỉ cho con ăn bên bàn ăn, ghế ăn và trước mặt chỉ có đồ ăn chứ không còn tivi, ipad nữa. Việc giới thiệu lại ghế ăn cũng cần cha mẹ cứng rắng và thống nhất, khi con đòi ra khỏi ghế, ngay lập tức cho con xuống, nhưng khi con đòi ăn, chỉ cho con ăn khi con ngồi trên ghế. Điều này tạo thói quen và thành nếp, con không còn có sự lựa chọn nào khác. Và ngay khi con ngừng hợp tác, con được quyền rời khỏi bàn ăn và chờ đến bữa ăn tiếp theo. - Hãy cố gắng thiết lập một nếp sinh hoạt nhất quán, nhờ nào thức đó. Ăn vào những giờ tương đối trùng nhau mỗi ngày. Bởi con người sinh hoạt tương đối dựa vào nhịp sinh học, do đó gần đến giờ ăn con sẽ đói hơn và sẽ ăn hợp tác hơn là để quá bữa và con chuyển sang trạng thái mệt và buồn ngủ.

- Nếu lịch ăn của con quá dày, bạn cần điều chỉnh lại lịch đó, rút bớt các bữa ăn không cần thiết, giãn thời gian giữa các bữa ăn, cai ti đêm cho bé, cho bé cơ hội được đói và được lên tiếng rằng con đói. Khi con đói mới lấy thức ăn cho con ăn. Bạn nên nhớ việc bú/uống sữa cũng tính là 1 bữa ăn, bé bú đêm dù chỉ mút chùn chụt vài cái hay bú 10ml cũng vẫn tính là một bữa ăn. Bởi vậy hãy tính tất cả số lần bạn cho bé ăn bằng đường ăn và đường uống, xác định xem liệu bạn có cho con ăn quá nhiều lần trong ngày hay không nhé.

- Với những em bé uống rất nhiều sữa công thức, hãy thay dần bằng sữa tươi không đường thậm chí tăng lượng nước con uống hằng ngày và giảm sữa, không cho bé bú đêm. Hãy giảm từ từ, mỗi lần 30ml. Bé đói bé sẽ ăn các thức ăn khác. Không bù sữa cho bé trong giai đoạn này, giảm lượng sữa và các chế phẩm từ sữa xuống tối đa 480ml. Quan niệm con không ăn thì bú sữa, đặc biệt là sữa công thức là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Ở thời điểm này, bé chỉ hấp thu được 30-40% dinh dưỡng từ sữa, tức là dù con bạn có uống đến 1 lít sữa 1 ngày thì nó cũng chỉ khiến bé no nhưng sẽ không thể giúp bé nhận đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, và bé vẫn bị thiếu đến 60-70% dinh dưỡng mà bé phải nhận, lượng dưỡng chất mà bé chỉ hấp thu được qua thức ăn. Bệnh lý phổ biến nhất của những trẻ không ăn mà chỉ uống sữa hoặc uống quá nhiều sữa so với thức ăn đó là bị thiếu máu do thiếu sắt.

- Với những em bé bú mẹ, ngừng việc bù sữa cho bé sau các bữa ăn, ngừng việc cho con bú bất cừ khi nào con muốn mà cho bé bú theo cữ. Sữa mẹ không phải là nước lọc, hay nước giải khát, nó là thức ăn, làm con no, nó là một bữa ăn vì vậy bạn cho con bú một lần tức là con đang ăn một bữa. Do đó, nếu bé bị biếng ăn thì bạn cần điều chỉnh lại nhu cầu của con, không nên để con quá nghiện ti mẹ dẫn đến biếng ăn. Dù sữa mẹ luôn luôn có những lợi ích kì diệu về dinh dưỡng và sức khoẻ, nhưng với trẻ từ 1 tuổi trở lên, nếu chỉ bú sữa mẹ thì cơ thể sẽ không hấp thu đủ dưỡng chất cần thiết để phát triển khoẻ mạnh. Bạn có thể cho bé bú vào cữ sau khi ngủ đêm dậy, sau khi ngủ trưa dậy và trước khi đi ngủ. Nếu sau khi giãn cữ và điều chỉnh lịch bú, bé ăn tốt hơn thì bạn không cần cai ti đêm. Nếu tình trạng của bé vẫn không tiến triển, bạn cần cai ti đêm cho bé.

- Hạn chế tối đa đồ ngọt, đồ ăn vặt và các thức ăn gây no mà nghèo chất dinh dưỡng. Hãy tham khảo và lên lịch các bữa ăn cân bằng.

- Hãy hạn chế cho con ăn quá mặn. Thức ăn mặc có tác dụng không tốt cho hệ tiêu hoá, gây gánh nặng cho các cơ quan chức năng trong cơ thể, do ăn mặn làm cơ thể giữ nước, có thể sẽ làm bé tăng cân “giả tạo” nhưng về lâu dài hậu quả hết sức khôn lường.

- Không sử dụng thực phẩm chức năng, men tiêu hoá bừa bãi hoặc khi chưa có đầy đủ các bằng chứng bé bị thiếu chất... Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ có uy tín khi sử dụng các loại thước này cho con.

- Bạn đừng ngần ngại tiết kiệm lời khen và phần thưởng dành cho bé khi bé chịu ăn. Dù bé chỉ chịu một miếng lúc đầu thôi thì bạn hãy cứ khen nhẹ nhàng động viên bé. Bạn có thể sử dụng hệ thống phần thưởng, dán sticker hoặc đánh dấu mỗi khi bé chịu ăn và thái độ ăn tích cực và giao hẹn bé đạt đủ bao nhiêu sao thì sẽ được khen thưởng bằng các hình thức khác nhau. Tuy nhiên cần làm 1 cách nhẹ nhàng và tinh tế, không quá đặt nặng vấn đề phần thưởng sẽ khiến bé ăn chỉ vì phần thưởng như vậy sẽ phản tác dụng.

- Với những bé còn có kĩ năng xử lý thức ăn kém thì bạn cần phải rèn luyện khả năng xử lý thức ăn cho bé. Với các bé không biết nhai, hãy tập cho bé nhai các thức ăn từ mềm đến cứng. Bạn có thể sẽ phải chấp nhận bé bị oẹ, bé ném thức ăn... nhưng hãy kiên trì và hãy ngừng cho bé ăn ngay khi bé khóc hoặc ngỏ ý muốn ra khỏi ghế.

- Khi lấy thức ăn cho bé, thay vì lấy nhiều đầy ụ đĩa, hãy cho bé thấy thật ít thức ăn trong bát mà thôi. Một cái bát vừa tầm cầm của bé, và chỉ chút xíu thức ăn trong bát, để bé không phải áp lực vì mình sẽ phải ăn quá nhiều và khi bé hoàn thành phần ăn sẽ có cảm giác đạt được thành tựu nhanh chóng vì mình đã có thể chinh phục được 1 chướng ngại vật nho nhỏ.

- Hãy cho bé tham gia vào bữa ăn của gia đình bạn cũng như hãy cho bé tham gia cùng nấu bếp với bạn để bé cảm thấy hứng thú với các món ăn tự mình chuẩn bị. - Bạn cũng hãy thay đổi các món ăn, các cách chế biến và trình bày món ăn thật hấp dẫn để thu hút sự chú ý của bé. Sử dụng nguyên liệu đa dạng màu sắc và các nguyên liệu kích thích khứu giác, vị giác. Hành, tỏi, lá gia vị là những nguyên liệu vừa tốt cho sức khoẻ vừa tạo mùi thơm hấp dẫn khiến bé có cảm giác thèm ăn cũng như ăn thêm vị ngon cho món ăn. Bạn cũng có thể cắt tỉa thức ăn thành những hình thù ngộ nghĩnh, đặc biệt là những hình thù mà bé yêu thích. Nếu bé đã biết nói, hãy để bé nói lên nhu cầu về những món ăn ưa thích của mình.

- Không để bữa ăn kéo dài quá 40 phút. Nếu bé không ăn, hãy mời bé vào bàn 1-2 lần, nếu bé vẫn nhất quyết không chịu ngồi vào bàn, hãy dọn bữa ăn đi và chờ đến cữ sau hoặc chờ đến khi bé đói, đòi ăn mới mang thức ăn ra.

- Trong thời gian trị chứng biếng ăn của trẻ hãy tìm hiểu và lựa chọn những món ăn có thể cung cấp nhiều dưỡng chất cho trẻ mà không làm trẻ quá tải. Ưu tiên những món không bị trẻ ghét, hãy cho bé vui chơi thoả thích nhé.

- Khi bé rơi vào giai đoạn biếng ăn sinh lý, bị ốm, thay đổi môi trường sống, sốc tâm lý... hãy kiên trì nhẫn nại chờ thời gian khủng hoảng đi qua, tìm cách giúp trẻ dễ chịu hơn, giải toả khó chịu về mặt sinh lý hoặc tinh thần cho con, không thúc ép, giục giã hay quát mắng con trong giờ ăn. Tạo không khí thoải mái vui vẻ cho con thì thời điểm này sẽ qua mau thôi.

- Những vấn đề biếng ăn liên quan đến thói quen ăn uống không tốt mà muốn sửa lại cho con thì phương pháp tối ưu nhất là cho trẻ được đói, cơ thể chúng ta sinh ra vốn đã có cơ chế tự cân bằng rất tuyệt vời, TRẺ ĐÓI THÌ SẼ ĂN, nhưng đói là phải ĐÓI THẬT SỰ, 4 tiếng ăn 1 bữa chính, cắt hoàn toàn bữa phụ, bữa chính trẻ không ăn thì cho 3 cơ hội để tiếp tục bữa ăn, nếu vẫn không ăn thì dọn ngay, và đến bữa chính tiếp theo mới cho ăn lại. Theo nghiên cứu không trẻ nào tự bỏ đói mình quá 48 tiếng. Vấn đề nằm ở chỗ ông bà bố mẹ cho con đói bữa trước nhưng sau đó sợ con đói lả lại cho cái bánh hoặc hộp sữa, như vậy con lại ngang dạ, đến bữa sau lại ăn uống không tốt, nó tạo thành 1 vòng luẩn quẩn mà nếu bố mẹ không tỉnh táo dũng cảm CHO CON ĐƯỢC ĐÓI THẬT SỰ thì sẽ không thể thoát ra được. Điều này cũng cần có sự đồng thuận trong gia đình từ ông bà đến bố mẹ, cần phải có sự lựa chọn: Cho con được đói vài ngày để sửa lại thói quen ăn uống xấu của con, hay cứ thương con 1 cái mù quáng để rồi mỗi bữa ăn thành 1 cuộc chiến!

Sách: Để con được ốm - Uyên Bùi + Bs. Trí Đoàn

- Biếng ăn vì trẻ GIẢM nhu cầu tăng cân BIẾNG ĂN VÌ TRẺ GIẢM NHU CẦU TĂNG CÂN Để trả lời câu hỏi đó, tôi cần phải đặt một câu hỏi khác: “khi nào thì bạn đi đổ xăng cho xe của mình và khi nào thì bạn biết là xe sắp hết xăng?” Có lẽ ai cũng biết câu trả lời: “Khi nào sắp hết thì đổ xăng và nhìn vào đồng hồ xăng để biết khi nào cần đổ xăng”. Vậy thì có xe nào đổ xawgn giống xe nào không? Chăc là không. Điều này cũng tương tự khi chúng ta suy xét vấn đề nạp năng lượng đối với con người. Đối với bất kỳ trẻ (hay người lớn nào cũng vậy), khi nào có nhu cầu tăng cân hay nhu cầu nạp năng lượng thì một bộ phận trên não sẽ báo cho người đó biết (bộ phận đó giống đồng hồ báo xăng), đó là trung tâm kiểm soát sự thèm ăn. Trong năm đầu đời, nhu cầu tăng cân của trẻ rất nhiều, trung bình tăng khoảng 6kg. Nhưng từ 1 – 5 tuổi, nhu cầu tăng cân của trẻ rất ít, trung bình chỉ khoảng 1 – 2 kg mỗi năm thôi ( xem như chỉ bằng ¼ hồi trước 1 tuổi). Vì vậy, não của trẻ báo cho trẻ cũng báo cho trẻ biết là nhu cầu nạp năng lượng rất ít. Khi nào trẻ tiêu hao bớt năng lượng đã nạp vào trước đó hay kho nào trẻ có nhu cầu tăng cân ( nhu cầu này khong phải thường xuyên theo tháng) thì khi đó trẻ sẽ ăn. Do đó, những bé ở độ tuổi này có khả năng nhịn ăn “thần kỳ” thậm chí trẻ có thể đứng cân 3 – 4 tháng cũng là chuyện bình thường (nếu không muốn nói là có thể tụt cân do một vài lí do nào đó như bị cảm chẳng hạn). Nhưng điều này lại khiến cha mẹ rất lo lắng. Thực ra, nếu trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, vui vẻ chạy nhảy thì cha mẹ cứ thong thả chờ đợi, khi nào có nhu cầu nạp năng lượng, trẻ sẽ ăn ngon lành. Cha mẹ cũng đừng mang trẻ ra cân mỗi tháng để chuốc lấy stress không cần thiết.

- Biếng ăn bệnh lý không nghiêm trọng Dù nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng thực tế, biếng ăn bệnh lý là biếng ăn xảy ra khi trẻ bị bệnh. Ví dụ như bị sốt, khiến lưỡi của bé mất cảm giác, bụng khó tiêu hóa nên trẻ không muốn ăn chỉ muốn ngủ. Biếng ăn bệnh lí thường xảy ra khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa... Tôi cũng gặp nhiều trường hợp cha mẹ cho rằng vì trẻ biếng ăn nên dẫn đến bị bệnh. Tôi thấy cha mẹ nên tách bạch vấn đề này. Trong giai đoạn 5 năm đầu đời, trẻ vẫn đang dần hoàn thành hệ miễn dịch và việc trẻ bị nhiễm bệnh là điều cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Trẻ có thể bị bệnh bất cứ lúc nào trong năm khi tiếp xúc với nguồn bệnh là siêu vi hay vi khuẩn, chứ việc biếng ăn không phải là nguyên nhân trực tiếp làm trẻ bị bệnh. Và khi nào trẻ hết bệnh, trẻ sẽ ăn trở lại một cách bình thường.

- Những nguyên nhân khác khiến trẻ biếng ăn Một số lí do khác khiến trẻ trở nên biếng ăn là do uống qua nhiều sữa. Việc này khiến trung tâm thèm ăn trên não bộ bị “đờ” không còn phát ra tín hiệu thèm ăn khiến trẻ không có cảm giác đói. Ngoài ra, còn một nguyên nhân cũng nghiêm trọng không kém làm cho trẻ bị biếng ăn là do bị ép ăn. Việc cha mẹ luộn căng thẳng mỗi khi đến giờ ăn khiến cho trẻ lo sợ và có cha, mẹ, ông, bà

- Cốm vi sinh và kẽm có chữa được “biếng ăn”? Vì ăn là nhu cầu riêng của mỗi trẻ nên không thể lấy tiêu chuẩn của người lớn hay tiêu chuẩn của con hàng xóm để gán cho nhu cầu của con bạn được. Khi trẻ đủ đói nó sẽ ăn. Nếu món ăn ngon (đối với nó) thì nó sẽ ăn hào hứng hơn. Cốm vi sinh chỉ là lợi khuẩn đường ruột, mà bất lỳ người nào cũng có trong ruột của mình. Cha mẹ bé có bổ sung thêm cốm vi sinh đó cũng không giúp bé ăn ngon hơn (những lợi khuẩn đường ruột đâu có tạo ra cảm giác thèm ăn)

Ngay cả việc bổ sung kẽm ở những trẻ ăn uống đa dạng cũng không cần thiết và không hẳn giúp trẻ ăn ngon hơn. Nếu trẻ ăn được những thức ăn thông thường như hải sản, thịt, cá, ngũ cốc, thì nó đã có đủ kẽm rồi và không cần bổ sung thêm. Đương nhiên một trong những triệu chứng của thiếu kẽm là giảm ngon miệng. Nhưng tình trạng thiếu kẽm thường chỉ có ở một số đối tượng nguy cơ như người những bệnh lý đường ruột gây kém hấp thụ, người ăn chay hay trẻ bú mẹ hoàn toàn quá lâu (mà ko cho ăn dặm) trên 6 tháng tuổi. Khi đó bác sĩ mới nghi ngờ trẻ bị thiếu kẽm và có thể bổ sung kẽm cho trẻ.

- Bí quyết TRỊ biếng ăn ở trẻ Bí quyết này rất dễ và đơn giản, tuy nhiên lại không hề dễ thực hiện nếu không có sự nhất trí và hiểu biết từ gia đình của bé. Một khi đã thấm nhuần các căn nguyên ở trên, cha mẹ có thể thử áp dụng những biện pháp sau:

+ Hãy để trẻ tự quyết định muốn ăn bao nhiêu thì ăn: nhiệm vụ của người lớn là bày ra cho trẻ những thức ăn ngon và đầy đủ dưỡng chất. Nếu trẻ không thích một món ăn nào đó thì cũng không cần phải lo lắng hay ngạc nhiên bởi đso là điều hoàn toàn bình thường. Để trẻ thích được một món ăn nào đó, cần phải giới thiệu rất nhiều lần, lời khuyên từ các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế cho rằng, bạn nên thử ít nhất liên tục 7 lần 1 món ăn, nếu trẻ vẫn từ chối thì lúc đó hãy tạm kết luận là trẻ không thích. Vì vậy bạn cũng đừng nản không làm món đó nữa trong lần đầu tiên trẻ từ chối. Khi nào đói, trẻ sẽ ăn thôi (suy ra, khi trẻ không ăn mà vẫn chơi thì có nghĩa là trẻ không đói hay trẻ không có cơ hội nào để đói hết).

+ Đừng cho trẻ ăn vặt nhiều lần trong ngày hay ăn vặt trước bữa ăn: nhiều gia đình cứ thấy trẻ đòi miếng kẹo hay bánh là đưa cho trẻ, hoặc cứ để hộp sữa thoải mái cho trẻ muốn uống lúc nào thì uống. Điều này làm trẻ không bao giờ có cảm giác đói để ăn hết. Tối đa chỉ nên cho ăn vặt 1 lần mỗi ngày và chỉ cho ăn sau khi trẻ đã ăn bữa chính.

+ Đừng bao giờ xúc cho trẻ ăn nếu trẻ tự xúc được: khoảng 7 – 9 tháng tuổi, bạn có thể tập cho bé bốc ăn. Khoảng 1 tuổi trở lên, bạn nên tập cho trẻ cầm thìa. Lúc đầu có thể trẻ nghịch trây trét đầy mâm, nhưng không sao hết, như thế trẻ mới thích thú va khám phá bữa ăn.

+ Đừng cho trẻ uống quá nhiều sữa mỗi ngày: uống nhiều sữa cũng cung cấp rất nhiều năng lượng nhưng không cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Ở lứa tuổi đó, trẻ chỉ cần uống 1 2 ly sữa tươi mỗi ngày là đủ (khoảng 250 – 500ml). Uống quá nhiều sữa làm trẻ thiếu sắt và bị táo bón.

+ Cho trẻ ăn ít hơn số lượng bạn nghĩ là trẻ có thể ăn được: điều này giúp trẻ có cảm giác đã hoàn tất bữa ăn. Thông thường ở tuổi này, trẻ chỉ uống mỗi ngày 1 – 2 ly sữa, ăn 3 bữa và mỗi bữa chỉ ăn khoảng vài thìa thôi. Do đó, bạn chỉ cần xúc vào chén của trẻ vài thìa cơm để trẻ tự ăn.

+ Đừng nên kéo dài bữa ăn quá 20 phút và cũng đừng nên bàn chuyện trẻ ăn như thế nào: trẻ muốn ăn ra sao tùy trẻ. Nếu bạn ép ăn, sau này trẻ sẽ không cảm thấy bữa ăn là cái gì đấy vui vẻ hay thú vị nữa, mà là một ngục tù của trại phát xít. Ông bà có câu “trời đánh tránh miếng ăn” đó và cũng đừng nên làm trò hay đánh lừa cảm giác no đói của trẻ. Đánh lừa cảm giác no đói sẽ khiến trẻ ăn vô tội vạ không kiểm soát và có nguy cơ béo phì và những bệnh gây ra do béo phì về sau.

Xin khẳng định là những điều tôi khuyên như trên tôi đã làm hết rồi và nó hiệu quả. Vấn đề còn lại là ở gia đình của trẻ thôi.

Sách: Làm mẹ không áp lực - Bs Anh Nguyễn

Hiểu đúng về biếng ăn sau bệnh: Sau bệnh bé thường trở nên biếng ăn, tỷ lệ biếng ăn sau bệnh lên đến 75%. Báo cáo của giáo sư bác sĩ Paintal K., văn phòng của Unicef Châu Á nhấn mạnh: Biếng ăn ở các bé sau bệnh là một dạng biến ăn tâm lý. Tuy nhiên, biếng ăn dạng này sẽ phát triển nhanh chóng thành dạng biến ăn khó phục hồi nếu kết hợp 2 yếu tố sau:

+ Tâm trạng lo lắng thái quá của các bậc cha mẹ và cộng với việc ép bé ăn. Giáo sư bác sĩ Paintal K. Nhấn mạnh: Áp lực này rất thông thường đối với các gia đình châu Á vì có thể bị gia tăng áp lực từ gia đình chồng, ông bà và các thành viên khác.

+ Kết hợp thực hành ăn dặm không đúng. Khi đó cha mẹ có xu hướng tìm đến một số thực phẩm mang tính chất bồi bổ, tăng sức đề kháng và cả những thức ăn lạ để bổ sung cho bé. Bổ sung những thực phẩm này không mang lại hiệu quả mà còn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn, đặc biệt về vị giác, nguy cơ dị ứng và tiêu hóa.

Hai yếu tố này đã làm tình trạng biếng ăn ở các bé châu Á dưới 5 tuổi thường trở nên phức tạp hơn.

Thực hành đúng về tâm lý ăn dặm cho bé và mẹ: Biếng ăn sau bệnh là một dạng biến ăn tâm lý do thay đổi về hoạt động sinh lý trong cơ thể khi bé bị bệnh dẫn đến bé mệt mỏi, thay đổi vị giác và stress hơn bình thường. Điều này thường làm bé từ chối ăn (chỉ bằng 1/3 lượng ban đầu) và sụt cân. Đối mặt điều này, cha mẹ chăm sóc trẻ càng stress hơn và bé lại tiếp tục đối mặt với stress của bố mẹ. Bé sẽ kéo dài tình trạng khó chịu này một thời gian dài trước khi bé quyết định “tuyệt thực”.

Chuyên gia dinh dưỡng Anh khuyên gì về thực hành đúng tâm lý ăn dặm cho bé:

+ Bé cần cha mẹ yêu thương bé hơn: Nếu còn bú thì người mẹ dành thời gian tương tác da kề da trước bú 10 phút để bé cảm thấy thải mái, cho bé bú tư thế ngồi hoặc nằm trong lòng mẹ để bé cảm giác an toàn, nên cho bé bú mẹ nhiều hơn trong ngày. Nếu bé bú bình thì mẹ có thể tương tác với bé khi bé bú xong, hoặc lúc bú mẹ xoa bóp nhẹ nhàng lòng bàn chân bé và các ngón chân bé. Điều này cũng làm bé bình tĩnh và giảm cảm giác stress.

+ Đừng bao giờ căng thẳng và mệt mỏi trước mặt bé: giáo sư bác sĩ Stewart C.P đã nhấn mạnh rằng: Bé là người đầu tiên nhận ra những thay đổi tâm lý của mẹ nếu mẹ có cảm giác nặng nề, áp lực khi chăm sóc bé, bé sẽ cảm thấy không thoải mái và không được yêu thương.

+ Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng: những thay đổi về biếng ăn và cân nặng tạm thời, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Nếu thực hnahf đúng bé sẽ phục hồi trở lại.

Mỗi cha mẹ phải hiểu những điều sau này và đừng đặt nặng vấn đề vì sao bé không chịu ăn hay bị sụt cân. Bạn càng chú ý đến điều này thì bạn càng stress, bé cũng ảnh hưởng stress theo. Trên thực tế, ở rất nhiều ca lâm sàng, khi thực hiện biện pháp điều trị tâm lý giảm stress cho mẹ thì các bé phục hồi tăng trưởng rất tốt chỉ sau vài tuần, mà không cần thay đổi chế độ ăn của bé.

Chuyên gia dinh dưỡng Anh khuyên gì về thức ăn dặm:

+ Nguyên tắc phải thuộc lòng: Bé ăn theo nhu cầu của bé, không phải là nhu cầu của mẹ, điều này lại càng đúng với bé sau khi khỏi bệnh. Hãy cho bé món ăn bé thích, ăn theo lượng bé hướng dẫn bạn, dù bé có bỏ ăn 24 tiếng và chỉ đòi sữa sau khi vừa khỏi bệnh là chuyện bình thường.

+ Chia nhỏ bữa ăn và kiên nhẫn cho bé ăn, kết thúc ngay khi bé không muốn ăn. Đừng bỏ bữa hay bỏ ngày cách quãng vì nghĩ rằng bỏ vài ngày bé sẽ ăn lại. Điều này sai và bạn phải đối mặt với một biếng ăn khác kèm theo là loạn cấu trúc (vì các bé sau bệnh rất dễ bị loạn cấu trúc thức ăn). Luôn giới thiệu bữa ăn cho bé hàng ngày dù bé có ăn hay không.

+ Thức ăn mềm mịn (nhưng không quá lỏng – nếu bé đã qua 7 tháng tuổi). Bé trên 10 tháng tuổi thì thích thức ăn có độ giòn hơn vì các bé sẽ nghe được âm thanh vui tai khi cắn

+ Ăn đa dạng, không kiêng cữ gì. Nếu bé bị tiêu chảy thì hạn chế cho ăn rau lá, hải sản và cá trong 1 tuần. Các bé bị sốt hay viêm thì nên ăn các thức ăn giàu vitamin C và chất đạm, tốt nhất là dạng súp nấu với gà.

+ Cho bé uống đủ nước một ngày.

- Nguyên tắc high – en giúp các bé biếng ăn và chậm tăng trưởng Nguyên tắc high – en: Là nguyên tắc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho các hoạt động tăng trưởng tối thiểu của bé khi biếng ăn kéo dài và khó bắt được tăng trưởng trong thời gian dài. Tùy theo từng độ tuổi của bé mà thay đổi thực đơn phân bố cho phù hợp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc này.

Nguyên tắc gồm 3 phần:

+ Phần 1: đảm bảo đủ lượng chất béo bao gồm chất béo cần cho não bộ (omega-3) và chất béo tốt khác (từ dầu thực vật).

+ Phần 2: đảm bảo đủ lượng chất đạm và tinh bột bằng cách chọn đa dạng cách chế biến, tinh bột có thể từ cháo, cơm, mì, bún, khoai tây.

+Phần 3: đảm bảo đủ năng lượng. Sữa cao năng lượng dùng để bù đắp năng lượng, đảm bảo bé vẫn đủ năng lượng tối thiểu hoạt động.

Lưu ý trong nguyên tắc high – en:

+ Sữa có thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức (theo nhu cầu hằng ngày của bé).

+ Sữa đặc biệt: uống 225ml sữa (dạng sữa cao năng lượng là loại cung cấp 423 – 500KJ/100ml).

Dạng sữa cao năng lượng này chỉ dùng tốt nhất cho cữ buổi tối sau 21h (1 cữ duy nhất trong ngày và chỉ dùng trong 3 tuần). Tuy nhiên, nếu bé không uống hết 1 lần có thể linh hoạt cho bé bú ở cữ sáng. Sau 3 tuần nếu đạt được chỉ tiêu tăng 150g/ tuần thì ngưng dùng, dùng lại sữa bình thường của bé.

+ Chú ý quan sát biểu hiện bé đói, để điều chỉnh khoảng cách giữa các bữa ăn cho phù hợp.

Tùy theo thói quen và lượng ăn của mỗi bé mà các bạn nên điều chỉnh số bữa tăng giảm (nhưng công thức high – en thì giống nhau), không nên ép bé ăn, vì khi bé ăn theo công thức chỉ cần 2/3 năng lượng là bé đã có đủ năng lượng của bữa đó rồi.

 

Tin liên quan

Thong ke

Video