Hiểu về cân nặng của con

Hiểu về cân nặng của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh

26/04/2018 09:04

Cân nặng của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có thể thay đổi rất nhiều, phụ thuộc vào sức khỏe, giai đoạn phát triển, cũng như các đặc điểm di truyền sẵn thừa hưởng từ bố mẹ. Hãy cùng FamiCook tìm hiểu về sự tăng trưởng phát triển về chiều cao cân nặng của trẻ để hiểu hơn về sự phát triển cân nặng của con.

Tăng cân ở trẻ nhũ nhi (trẻ sơ sinh)?

Câu hỏi: Bác sĩ ơi em rầu quá! Em có một đứa con đầu lòng, bây giờ bé 8 tháng rồi ạ, nhưng mà mấy tháng nay bé không tăng cân bác sĩ ơi. Hồi lúc mới sinh ra, bé được 3kg hơn. Em cho con bú mẹ hoàn toàn, trộm vía hai tháng đã được gần 6kg, 4 tháng đã gần 8kg, cả nhà cưng gần chết. Vậy mà từ 4 tháng tới nay, bé chỉ được có 8,5kg thôi c ạ, có nghĩa là mỗi tháng bé chỉ tăng được cỡ tram gram hơn thôi chị ơi. Mà con đâu có bệnh gì đâu ạ. Nhưng mà rõ ràng bé bú ít hẳn bác sĩ ạ, bây giờ bé bú chắc chỉ bằng khoảng phân nửa hồi xưa thôi. Em dụ đủ cách, đút muỗng, đút bình, bé cũng nhất quyết không chịu bú thêm. Ăn dặm thì em cho con ăn lúc 6 tháng tuổi, nhưng mà bé cũng ăn có chút à, em làm cách nào bé cũng không ăn thêm được. Em khủng hoảng quá, lo quá chị ơi! Em phải làm sao, phải làm sao, phải làm sao???
 
Trả lời: Trẻ trung bình khỏe mạnh cân nặng lúc 1 tuổi chỉ là 9kg cho bé gái và 9,5kg hơn xíu cho bé trai mà thôi, mà nếu thật sự 1 tuổi mà cân nặng chỉ 8kg mấy, gần 9kg thôi, cũng là trong ngưỡng bình thường, khỏe mạnh. Con em mà cứ tăng tằng tằng như tốc độ những tháng đầu tiên, đến thôi nôi mà lên 12 – 13 kg thì chỉ có em và ông bà mừng thôi, còn chị thì hơi buồn, vì phải gắn mác theo dõi thừa cân, béo phì cho cháu!
 
 
Hiện tượng tăng cân rất nhanh chóng trong 6 tháng đầu tiên, đặc biệt là 4 tháng đầu đời và sau đó chững lại chậm như rùa bò sau thời điểm bắt đầu ăn dặm, là một hiện tượng không hiếm gặp. Ở trẻ bú mẹ hoàn toàn, hiện tượng này được thấy phổ biến hơn. Đây là những trẻ thông minh, vì cơ thể biết điều khiển tốc độ tăng trưởng của bản thân, để có thể không bị tăng quá mức. Nếu so sánh, giống như con thỏ chạy đua, chạy nhanh quá trong đoạn đầu, thì đoạn sau cần phải lười ra, ung dung đi về đích, chứ không biết tự phanh lại, thì cháy luôn cái đích đua, hỏng kiểu!
 
Những bé tròn tròn nhìn khá vui mắt, nhưng chuẩn này hơi bị lạc hậu rồi em ạ. Mốt đúng khoa học phải là những em bé roi roi. Mà em để ý nhé, bé nào tròn quá, nặng quá, đa số sẽ rất ì trong các mốc thời gian phát triển mà các bạn roi roi cứ lanh lẹ vượt qua. Bụng bự quá 6 tháng không ngồi được, trong khi các bạn bụng thon thon thì tập ngồi ngon ngọn. Người nặng quá nên khó vịn đứng, vì đâu đủ sức mà kéo cả người mười mấy kg đi lên. Cũng vì cân nặng nhiều, nên trọng lực trái đất nhiều, nhấc chân bước từng bước mà nhìn như chân có gắn nam châm, hít chặt vào mặt đất rất nặng nề. Trong khi các bạn roi roi thì cứ y như những con sóc con, vịn đứng cái ót, đi đứng nhanh nhẹn, gọn ơn! Em nghĩ em sẽ thích cái nào?
 
Một lưu ý nữa là mẹ không nên ép con uống sữa bằng đút muỗng nữa, vì em làm như vậy, em mệt , con cũng mệt. Em mệt 1 con mệt 1, nhưng nó chán 10. Vì vậy, có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hứng thú và ngon miệng của con khi được cho ăn, uống. Như đã nói ở trên, cân nặng con theo tháng như thế này là rất ôn, em nên tự bỏ các kiểu cho con ăn không cần thiết đi nhé. Cứ tập cho con ăn dặm bình thường, lưu ý tuổi này nên bắt đầu cho ăn lợn cợn, tập ăn thô, nhai thô dần, để sao cho đến 9 – 10 tháng tuổi, con có thể ăn các loại thức ăn dạng ngón tay, nhai thô tốt, nuốt tốt, là em đã thành công nhé!
 
Thành công trong chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi, thật sự không phải đo bằng kg cân nặng của con, mà đo bằng những kĩ năng mà con đạt được trong giai đoạn này! Đừng cân con trong 2 – 3 tháng nữa nhé. Cứ vui vẻ tự tin cho con ăn uống theo nhu cầu, chuyện còn lại, cứ để con lo! Can thiệp quá nhiều , căng thẳng quá, có thể hỏng hết chuyện luôn đấy e ạ! Còn nếu em vẫn lo, hãy cho bé đi khám bác sĩ, để được đánh giá và tư vấn thêm nhé!
(Nguồn: Chat với bác sĩ - Bs. Trần Thị Huyên Thảo)

Khi nào cần lo về cân nặng?

Cân nặng là một phần trong đánh giá tăng trưởng của bé. Nó thể hiện mức độ hấp thu chất dinh dưỡng và mức độ phát triển bình thường của các cơ quan. Đồng thời cân nặng cũng phản ánh trạng thái bệnh lý hay bình thường của bé.
 
 
Tuy nhiên, cân nặng không phải là yếu tố duy nhất để cho thấy bé không phát triển tốt. Cân nặng cũng không phải lúc nào cũng tăng đều đều và gấp đôi như lúc mới sinh. Mặt khác, cân nặng giữa các bé là khác nhau, sự so sánh cân nặng của bé này với bé khác là việc làm vô nghĩa vì mỗi bé có sự phát triển khác nhau.
 
Đánh giá trong quá trình tăng trưởng của trẻ sơ sinh, các chuyên gia dinh dưỡng Anh không đánh giá chỉ qua cân nặng mà dựa vào rất nhiều yếu tố như chiều cao, chế độ ăn của bé, hoạt động thể chất của bé, phản xạ... Ví dụ, một bé có cân nặng dưới chuẩn, vào thời điểm đó các chỉ số khác của bé đều ổn định thì bé vẫn và đang tăng trưởng tốt. Sau đó bạn thấy bé đạt lại tình trạng cân nặng chuẩn mà không cần biện pháp can thiệp nào.
 
Giáo dục nhận thức đúng đắn về cân nặng cho cha mẹ là việc làm cần thiết mà Hiệp hội Dinh dưỡng Anh đặt lên trên chiến lược hàng đầu trong việc ngăn ngừa tác hại cho bé. Tại sao khi chưa hiểu đúng về cân nặng, cha mẹ có thể gây hại đến bé?

Hiểu sai về cân nặng và tác hại lên bé:

1. Không ý thức tốt về phát triển cân nặng, cha mẹ có tâm lý là bé ăn không đủ chất dinh dưỡng. Tâm lý này đã làm nhiều cha mẹ cố tìm nhiều cách cho bé ăn, lừa bé ăn một cách vô thức.
 
Hậu quả: Bé sẽ bị biếng ăn không hồi phục (đến 4 tuổi), hoặc biếng ăn giai đoạn (từng cơn), bị béo phì, các rối loạn tiêu hóa, suy thận, tâm lý và não bộ mất cân bằng. Đó là thông điệp của giáo sư bác sĩ Valerie, thuộc viện dinh dưỡng Nhi khoa Canada.
 
2. Tâm lý lo lắng về cân nặng làm cha mẹ giới thiệu thức ăn dặm quá sớm cho bé (trước 5,5 tháng tuổi). Hoặc cho bé ăn bất cứ món nào bé có vẻ hào hứng đôi dịp (ví dụ như bánh kẹo, sữa thêm đường, thức ăn làm sẵn, bánh ăn dặm làm sẵn). Tư tưởng cho rằng ăn miếng nào hay miếng đó, cho bé ăn các thức ăn gắn mác là tăng cân cho trẻ (ví dụ như tổ yến, chim bồ câu, nước chiết giá đỗ...) là những quan niệm không chính xác.
 
Hậu quả: Sự biếng ăn là tất yếu, nguy cơ dị ứng viêm da cơ địa rất cao, rối loạn tiêu hóa (hệ tiêu hóa các bé sẽ bị mất ổn định một thời gian dài).

Hiểu đúng về cân nặng:

Chuẩn cân nặng chỉ là một yếu tố trong đánh giá tăng trưởng (chỉ là một hướng dẫn ước lượng trung bình, không phải tuyệt đối) vì các lý do sau:
  • Bé có khả năng tự điều chỉnh cân nặng vào một vài thời điểm trước 2 tuổi.
  • Nhu cầu của mỗi bé là khác nhau, nếu chênh lệch với chuẩn không lớn thì vẫn được xem là bình thường.
  • Nếu thời gian lệch chuẩn cân nặng không nhiều hơn 3 tháng thì ba mẹ không cần phải lo lắng
Cân nặng nếu đã vượt chuẩn trước đó thì bé sẽ tự điều chỉnh tăng chậm hoặc không tăng. Sự tự điều chỉnh này sẽ làm bé tự giảm lượng ăn. Sự tự điều chỉnh này không phải là biếng ăn. Bạn nên tuân thủ nhu cầu của bé và đợi một vài tuần để bé điều chỉnh lại lượng ăn ban đầu, nhưng nếu bé chỉ chấp nhận sự thay đổi này thì đó là nhu cầu thực của bé. Nói một cách dễ hiểu là: trước đó bé quá bụ bẫm thì 3 tháng sau bé không tăng cân hoặc có phần quay về chuẩn là vẫn bình thường, việc điều chỉnh này là có xu hướng có lợi cho sức khỏe của bé.
 
Đừng nhìn vào mập ốm, đừng nhìn vào số cân nặng đầu tháng và cuối tháng, nên nhìn vào quá trình tăng cân từng tuần và tỉ lệ tăng cân theo từng độ tuổi như sau:
 
  • 0 – 3 tháng tuổi: Tăng 140 – 210gam/tuần
  • 3 – 6 tháng tuổi: Tăng 105 – 145gam/tuần
  • 6 – 12 tháng tuổi: Tăng 70 – 90gam/tuần
Lưu ý: Hãy theo dõi cân nặng của bé trong 5 tuần liên tiếp. Nếu bé có số tuần đạt tỉ lệ tăng cân chuẩn nhiều hơn số tuần tăng cân không đạt tỉ lệ chuẩn, bé sẽ vẫn đang tăng trưởng bình thường. Việc bé tăng cân không đều giữa các tuần là bé đang điều chỉnh. Ví dụ bé 5 tháng tuổi, theo dõi trong 5 tuần: 3 tuần đạt 110g/tuần, 2 tuần chỉ có 80gr/tuần. Kết quả này cho thấy bé vẫn tăng trưởng bình thường.

Chuyên gia dinh dưỡng Anh khuyên mẹ:

Nếu mẹ lo lắng về cân nặng của bé thì nên đến chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để được hướng dẫn cách đánh giá bé toàn diện. Đừng tự ý làm nhiều điều không hiểu rõ chỉ vì muốn tăng cân cho bé, điều này có nguy cơ làm hại bé nhiều hơn là giúp bé tăng cân.
(Nguồn: Làm mẹ không áp lực - Bs. Anh Nguyễn)

Làm gì khi con ăn tốt nhưng không tăng cân

Bé ăn nhiều nhưng không tăng cân có nhiều lý do:
  • Chất lượng bữa ăn khôn đảm bảo. Có thể bé ăn nhiều nhưng lại không cân đối. Nếu bé ăn nhiều chất bột (bột, cháo, cơm) nhưng lại ít ăn thịt, ít các thức ăn có đạm, ít rau xanh và dầu mỡ thì bé không có đủ dinh dưỡng để bé phát triển. Ngược lại nếu bé chỉ thiên về ăn đạm mà ăn ít chất bột thì lại thiếu năng lượng dẫn đến chậm tăng cân. Hoặc chế độ ăn thiếu chất béo cũng là một nguyên nhân khiến bé tăng trưởng chậm.
  • Bé kém tiêu hóa, hấp thu. Những bé hay bị rối loạn tiêu hóa do chế độ ăn không hợp lí hoặc do dùng kháng sinh thường xuyên sẽ hấp thu kém thức ăn.
  • Một số bé nhu cầu tiêu hao năng lượng cho chuyển hóa cơ bản và cho nhu cầu tăng trưởng cao hơn bình thường, nên có thể bé ăn nhiều nhưng năng lượng nạp vào vẫn chưa đủ nên bé chậm lên cân.
  • Bé bị nhiễm giun, sán. Lượng thức ăn vào trong cơ thể bé bị chia bớt cho các loại kí sinh trùng này khiến cơ thể bé không nhận được đủ dinh dưỡng.
Tùy mỗi nguyên nhân mà mẹ có cách xử lí khác nhau nếu nguyên nhân do chất lượng bữa ăn, mẹ hãy điều chỉnh chế độ ăn cho bé. Nếu không do chế độ ăn, mẹ nên đưa bé đi khám để có cách xử trí phù hợp

(Nguồn tham khảo: Sổ tay ăn dặm của mẹ - Bs. Lê Thị Hải)

Tin liên quan

Thong ke

Video