Nhiều mẹ thường thắc mắc con đang trong giai đoạn ăn dặm có đi du lịch được không? Câu trả lời là "có" nhé các bố mẹ. hãy tham khảo chia sẻ của Hoàng Cường để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi xa của con.
Con đang ăn dặm có đi du lịch được không là phần 3 trong loạt bài viết chia sẻ về bí quyết "Ôm con đi khắp thế gian", nếu mẹ chưa đọc các phần trước có thể tham khảo tại link:
Bật mí bí quyết "Ôm con đi khắp thế gian"
---
Phần 1: Làm thế nào để đi được?
Phần 2: Tại sao nên đưa con đi du lịch?
Phần 4: Làm thế nào để con không ù tai, không khóc khi đi máy bay?
Phần 5: Kinh nghiệm săn vé máy bay giá rẻ
Nhiều mẹ bố mẹ thắc mắc "Con đang ăn dặm thì có đi du lịch được không?"
Đi chứ, đi mạnh là đằng khác. Nếu cứ sợ con ốm thì với thời tiết bây giờ ngồi nhà cũng ốm chứ chẳng cần phải đi ra ngoài. Bố mẹ càng sợ càng bao bọc con kĩ quá về sau càng khó thích nghi với môi trường lạ. Tất nhiên con đang còn nhỏ thì việc đi du lịch sẽ phải có nhiều khâu phải chuẩn bị hơn, sau đây là những điểm cần chú ý dành cho các bố mẹ.
Cho con đi 1 2 lần đầu chắc chắn về sẽ có MỆT, thậm chí là ỐM, nhưng qua lần thứ 3 là khỏe re. Đây là kinh nghiệm bản thân và bạn bè của mình. Kem 2 lần đầu đi về cũng ngất ngưởng, sau này thì chỉ có bố mẹ mệt vì chạy theo thôi.
Nếu không ở chung thì đơn gian, còn nếu ở chung thì phải nói để ông bà hiểu sau đó và chấp thuận cho cháu đi (tham khảo bài phần 2 ). Không làm tư tưởng trước với ông bà, đi về chả may mà con lăn quay ra ốm thì ăn tế là chắc cmn chắn luôn. Không cẩn thận lần sau còn bị cấm cửa ấy. Đừng có dại mà chống lại các nhà cầm quyền mà hãy khôn khéo kéo họ về phía mình .
Những bạn còn nhỏ quá và thể trạng không thực sự tốt lắm thì có thể đến các khu nghỉ dưỡng, resort, hạn chế di chuyển đường xa. Lớn hơn và khỏe hơn chút nữa thì du lịch các thành phố lớn, dễ tìm tiện ích cho trẻ nhỏ. Lớn hơn nữa khi đã có nhận thức và muốn khám phá được rồi thì đến những chỗ hoang sơ hơn. Cứ tăng dần lên như vậy để phù hợp với con và mình dễ xử lý trong những trường hợp khẩn cấp.
Khi chuẩn bị đi du lich bố mẹ lưu ý nên đặt gần phòng bệnh viện (nước ngoài càng cần chú ý), hoặc ít nhất là biết cái bệnh viện nó nằm ở đâu tại khu mình đến. Tất nhiên không ai muốn đến đó cả, nhưng vạn bất đắc dĩ nên chúng ta phải phòng xa. Cứ tưởng tượng nửa đêm con ốm mà bệnh viện cách đó cả chục cây là bỏ mẹ rồi. Đi thì đi nhưng phải an toàn cho con. Đi nước ngoài còn cần có số điện thoại của đại sứ quán Việt Nam nước sở tại nữa. Vì đó là nơi chúng ta có thể nhận được giúp đỡ trong những trường hợp khẩn cấp.
Đừng nghĩ là: "Ồi mấy cái thuốc này đi đâu chả có". Nhưng nửa đêm thì chả phải chỗ nào cũng mở để mua đâu. Với những gia đình hay đi như nhà mình thì luôn có 1 hộp thuốc riêng dành để đi du lịch cho cả gia đình. Đi đâu là cứ thế vác nó đi theo thôi.
Đi trong nước thì cần giấy khai sinh, đi nước ngoài cần hộ chiếu. (Làm hộ chiếu như nào thì gờ o o gờ lờ các mẹ nhé) Bố mẹ cũng nên để tất cả giấy tờ của cả gia đình và một túi riêng, và quy định nó nhét vào chỗ nào trong balo, dùng xong là phải nhét vào đó ngay. Các bố mẹ cứ tưởng tượng là hôm nào vội ấy, bố thì 2 tay 2 cái balo, 2 cái vali, mẹ thì ôm con xong rồi, sữa, khăn, nước... thêm cái đống giấy tờ nữa, thì việc quên ở đâu đó hay thất lạc do không để ý rất dễ xảy ra. Ra nước ngoài mà mất thì được lên đại sứ quán chơi ngay.
Nhà mình gặp 1 vụ hôm từ Đài Loan về Nội Bài, mẹ Kem thì siêu cẩn thận nhưng hôm đó chẳng biết chủ quan thế nào, lên máy bay xong thì kẹp cái túi giấy tờ vào sau ghế bay, đến lúc máy bay hạ cách 2 vợ chồng tung tẩy đi xuống, ra đến cửa nhập cảnh ở Nội Bài mới tá hỏa ra vì không thấy giấy tờ đâu. Gọi loạn lên, vạ vật 2 tiếng ở sân bay mới được đội dọn máy bay mang trả lại, hành lý kí gửi thì phải vào khu thất lạc tìm mãi mới thấy vì máy bay xuống lâu quá rồi. Sau phát đó là nhớ đời luôn, nên bố mẹ hết sức chú ý điều này nhé.
Vấn đề này được hầu hết các bố mẹ có con đang ăn dặm quan tâm. Với những bạn chưa ăn dặm thì dễ xử rồi, cứ sữa thôi là ok. Đi du lịch tầm này là siêu nhàn ấy chứ không phải lích kích như nhiều bố mẹ nghĩ đâu. Với những bạn đang ăn dặm, sẽ có nhiều bố mẹ gặp phải tình trạng như lần đầu tiên nhà mình cho Kem xuất ngoại. Hồi còn gà mờ đi Thái Lan, 2 vợ chồng nhét hết cả đồ của con vào cái vali to như cái tủ lạnh. Trong đó nào đồ ăn, đồ uống, hoa quả, bánh kẹo rồi tã, bỉm, chăn, gấu.... Nguyên lôi được cái vali đi thôi đã quá hành xác rồi.
Sau này có kinh nghiệm thì mình đã tư vấn cho rất nhiều bố mẹ là đừng đặt vấn đề ăn dặm của con khi đi du lịch quá.
Chúng ta đi dài lắm thì 1 tuần, không thì vài ngày.
Nếu đi trong nước, tại các thành phố lớn đều có bán cháo dinh dưỡng, bố mẹ có thể mua cho con ăn chống cháy vài hôm. Nếu cẩn thận thì lên mạng tìm trước những cửa hàng uy tín rồi đến đó mua.
Nếu đi nước ngoài không tìm được cháo dinh dưỡng thì trước khi đi chúng ta mua sẵn những gói cháo dành cho trẻ ăn dặm (search trên mạng hoặc ra tokyobaby.vn có rất nhiều). Đến bữa, xin đâu đó 1 bát nước nóng, thả gói cháo làm nóng lên rồi cắt ra cho vào bát và chén thôi.
Nếu con không ăn được đủ lượng cũng không sao cả, bổ sung sữa cho con là được.
Nhiều nước nhiệt đới ví dụ như trong khu đông nam á rất sẵn hoa quả tươi, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung thêm sinh tố và nước hoa quả cho con.
Nếu muốn mang sữa công thức theo thì mua cái loại hộp mà ngăn ra từng bữa từng bữa ấy, đến bữa nào pha bữa đó thì sữa không bị vón.
Đừng nghĩ là con ăn không đúng bữa, không đảm bảo lượng rồi ăn cháo bán sẵn không tốt nọ kia, chúng ta đi du lịch thì cần chấp nhận thôi, cho con ăn tạm vài hôm rồi khi về chúng ta cho con ăn lại theo lịch bình thường. Còn đi đâu mà cũng phải ôm theo cái tủ lạnh như nhà tớ trước kia thì nghĩ đến đã nản rồi chứ đừng nói là đi.
Nghĩ thoáng và đơn giản hóa chuyện ăn uống của con khi đu lịch nhé các bố mẹ. Như vậy thì mới có thời gian mà khám phá với trải nghiệm. Chứ đi du lịch mà đầu lúc nào cũng, tí con ăn gì, tẹo nó uống gì, tìm mọi cách để đủ bữa, đủ lượng cho con, thì ở bố nhà đi cho nó lành, chơi bời quái gì nữa! Tớ nói thật!
8. Ngoài ra đây là bảng danh sách những vật dụng cần thiết các bố mẹ nên tham khảo để chuẩn bị cho con trước khi đi (Copy trong quyển Nuôi con không phải là cuộc chiến - Đỡ phải type)
Thuốc: QUAN TRỌNG NHẤT
- Thuốc hạ sốt dạng cốm và dạng đặt hậu môn (loại đặt hậu môn chỉ cần mua 1 - 2 viên để đề phòng, còn đâu đến nơi thì đi mua ngay lập tức vì cần bảo quản tủ lạnh)
- Oresol: Bù điện giải
- Nước muối sinh lý
- Bộ xử lý vết thương: Bông - gạc - băng cá nhân - các loại kem /thuốc bôi sát trùng (cồn, oxy già, betadine...) - thuốc bỏng - găng tay y tế.
Nếu có điều kiện, hay mua hẳn một bộ sơ cấp cứu mini chuyên dùng cho đi du lịch, nó sẽ bao gồm tất cả những thứ bạn cần
- Men vi sinh
- Dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp và Cặp nhiệt độ
- Kem /Xịt chống muỗi và kem trị côn trùng cắn
- Thuốc trị bỏng
- Dung dịch rửa tay khô
- Siro ho
- Kem trị hăm
- Hút mũi, nước muối biển xịt và thuốc nhỏ mũi nữa
- KEM CHỐNG NẮNG loại dành cho trẻ em.
- Bỉm (với những bé chưa cai bỉm), nếu tới những thành phố lớn thì bạn chỉ cần mang độ 5 - 7 cái để đỡ tốn diện tích, sau đó đến nơi mua thêm. Nếu bỉm của con thuộc loại khó mua, hoặc bạn nghĩ việc mua bỉm ở nơi bạn đến là khó khăn hãy tính số bỉm con bạn đang dùng trong 1 ngày cộng thêm 3 - 4 cái. Mở bọc bỉm ra và cuộn tròn từng cái bỉm lại sẽ tiết kiệm diện tích hơn.
- Giấy ướt và giấy khô.
- Sữa tắm + kem hăm + bàn chải + kem đánh răng + xà phòng giặt cho bé (các loại chất lỏng nên chiết ra lọ nhỏ hơn)
- Bát, thìa dành cho bé.
- Bình nước cho những bé biết hút ông hút, các bé đã ăn dặm trở lên.
- Địu và xe đẩy. Tùy thuộc vào nơi bạn đến và phương tiện bạn dùng chủ yếu khi đi lại tại nơi đó để quyết định phù hợp. Nếu bạn đi taxi là chủ yếu, hãy dùng xe đẩy. Nếu gia đình bạn thuê xe máy, đi bộ và đi tàu điện ngầm, địu là phương án tiện lợi hon cả.
- Quần áo: Mang đồ phù hợp với thời tiết của nơi bạn đến, nếu bạn đi biển hãy chú ý mang theo một áo khoác mỏng vừa có tác dụng chống nóng cho con ban ngày vừa để phòng lạnh cho con vào buổi tối.
Số lượng quần áo phụ thuộc vào: số ngày bạn đi + tháng tuổi + độ nghịch ngợm của bé + độ chăm chỉ của mẹ. Các bé nhỏ ít lê la hoặc ngịch nước hoặc những bé ít ra mồ hôi thì sẽ cần mang ít quần áo hơn. Vì khách sạn thường không có nước giặt dành riêng cho quần áo của em bé, vì thế nếu bạn có thể giặt quần áo cho con mỗi ngày thì chỉ cần mang vừa phải, nếu không thì hãy mang nhiều quần áo cho con. Mẹ yên tâm quần áo các bé rất nhẹ và gọn, nên để được rất nhiều. Một mẹo rất hay để tiết kiệm thời gian chọn đồ cho các mẹ, đó là các mẹ hãy cuộn quần áo của bé lại và cho vào túi ziplock^^ (giả sử đi 5 ngày), mỗi túi 3 - 4 bộ, có ghi chú từng ngày vào, vậy là khi đến nơi, mỗi ngày bạn chỉ cần lấy ra 1 túi để sử dụng là xong, không hề mất công soạn đồ. Đồ bẩn, đồ sạch sau đó cũng hãy phân loại vào túi và ghi chú.
CÁC PHỤ KIỆN ĐI KÈM
- Khẩu trang
- Mũ
- Kính
- Giày/dép (mang thừa một đôi)
- Tất + găng tay (nếu trời lạnh)
- Áo bơi (2-3 cái, những bé chưa bỏ bỉm cần nhiều hơn), phao bơi (loại phao tay)
- Ba lô nhỏ cho bé (để thực hành tự lập)
- Quần chip (với những bé lớn, số lượng = số ngày đi, thêm hai hoặc ba chiếc)
- Khăn quàng cổ (vài cái).
- Yếm ăn.
- Ô và áo mưa: Để che khi trời nắng hoặc mặc khi mưa (với các bé lớn).
- Các loại khăn: Khăn sữa (tùy thuộc nhu cầu sử dụng của bé + số ngày đi) + khăn xô (lau người cho bé mang độ 2 - 3 cái rồi giặt là vừa) + khăn choàng tắm nếu đi biển hoặc không muốn dùng khăn của khách sạn: 2 - 3 cái.
- Túi ziplock, túi nilon để đựng đồ bẩn hoặc rác.
BALO VÀ VALI
- Giới thiệu luôn bộ siêu rẻ, siêu rộng vợ chồng mình dùng (trong hình)
- 2 balo của The Northe Face mỗi cái đâu 500k/cái ấy, rộng phát hờn lên được, nhét được ti tỉ thứ.
- 2 vali 4 chân, quà tặng của Sony bán chui ra ngoài, giá 400k/cái, nhỏ gọn để ôm lên máy bay. Chả biết mẹ Kem tìm mua ở đâu được ấy
Liệt kê ra thế này để chuẩn bị cho nó rõ ràng, không lúc lại cứ quên quên nhớ nhớ. Nó chỉ hơi loạn 1 2 lần đầu thôi, sau là nó thành công thức nằm trong đầu rồi, đi nước ngoài thì cũng 1-2 tiếng là xong hết hành lý thôi các bố mẹ ạ! Đừng phức tạp hóa nó lên nhé!
---
Kết thúc phần này thì nai nịt gọn gàng, ôm con lên và lao ra bến xe hoặc sân bay được rồi.
Phần sau tớ sẽ chia sẻ cách để các bạn nhỏ đi máy bay đỡ khóc và đỡ nghịch.
Có luôn cả cách cho các bố mẹ đỡ đau đầu khi đi máy bay mà số đen dính phải toàn các bạn nhỏ khóc từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh
Xin chào và hẹn gặp lại!
08/05/2018
08/05/2018