Giải đáp các thắc mắc về tuần khủng hoảng ở trẻ nhỏ

Giải đáp các thắc mắc về tuần khủng hoảng ở trẻ nhỏ

08/05/2018 13:05

Bé quấy khóc? Bé không chịu ăn? Và vô vàn các trường hợp khác nhau xảy ra ở trẻ khiến bố mẹ lo lắng không biết cách giải quyết như thế nào? Thực tế, đây là hành động phát triển sinh lý bình thường ở trẻ nhỏ mà khoa học đã đặt tên nó là tuần khủng hoảng.k

Để giúp bố mẹ có thêm kiến thức và vững tin chăm sóc con thật tốt trong giai đoạn tuần khủng hoảng (wonder week) Ăn dặm 3in1 đã tổng hợp một bài nhỏ chi tiết dưới đây, hy vọng bài viết này sẽ cung cấp các kiến thức cho bố mẹ về tuần khủng hoảng hay còn gọi là wonder week ở trẻ nhỏ.  

1. Tuần khủng hoảng là gì?

Tuần khủng hoảng hay còn được gọi là Wonder Week (ww) là các tuần phát triển kỹ năng và tinh thần của bé. Đây là các giai đoạn mà các bé sẽ có bước nhảy vọt về phát triển kỹ năng và trí não và một số hành vi khác.

Tuần khủng hoảng ở trẻ nhỏ không diễn ra một thời gian mà thực tế có tới 10 tuần khủng hoảng nằm rải rác trong 2 năm đầu đời của các bé, trong mỗi kỳ tuần khủng hoảng (ww) sẽ có 2 giai đoạn: STORM (bão tố) và SUNNY (nắng đẹp).

Giai đoạn bão tố là bước khởi đầu để bé bắt đầu học hỏi các kỹ năng mới, sự phát triển mới mà trước đây bé chưa biết. Thời điểm giai đoạn bão tố bạn sẽ thấy bé trở nên cáu gắt, khó chịu, bỏ ăn, bỏ ngủ, nhõng nhẽo, bám mẹ, và mọi lịch ăn ngủ nghỉ ngơi của bé bị đảo lộn hoàn toàn.  

Tuy nhiên, sau khi hết giai đoạn bão tố, bé sẽ bước sang giai đoạn nắng đẹp, đây chính là lúc bé học được kỹ năng mới, có sự nhận thức tốt hơn về thế giới xung quanh, và mọi thứ trở lại như bình thường, bé của bạn ngoan như chưa bao giờ khó chịu, lịch sinh hoạt của bé sẽ trở lại hoàn toàn bình thường.

Ví dụ: Bé ở tuần thứ 46 tương đương 11,5 tháng tuổi, bé đang tập nói, bé thích thú với việc được người lớn hỏi và trả lời, bé chỉ thích học, mải chơi mong muốn có người cùng trò chuyện, bé không muốn ăn hay làm việc khác, nếu không bé sẽ khóc ré lên và cáu khỉnh với mọi người. Sau một thời gian bé bắt đầu học được kỹ năng mong muốn bé sẽ lại vui vẻ, ăn ngủ bình thường. Giai đoạn này bố mẹ sẽ thấy con bắt đầu biết chỉ trỏ vào những đồ vật mà mình ưa thíc, biết trả lời câu hỏi của người lớn. Như vậy có thể dự đoán được rằng khoảng thời gian bé học nói thì bé rơi vào tuần khủng hoảng.

 

Tuần khủng hoảng ở trẻ nhỏ
Bảng 10 tuần khủng hoảng ở trẻ nhỏ 

Một số lưu ý thêm:

Theo nhiều tài liệu thì tuần khủng hoảng được chia làm 10 giai đoạn. Nhưng trải qua thời gian quan sát, đồng hành cùng các mẹ trong suốt thời gian ăn dặm của con thì Ăn dặm 3in1 nhận thấy có nhiều bé "dở chứng" thêm 1 tuần khủng hoảng nữa  (tuần khủng hoảng thứ 11) vào khoảng 19-20-21 tháng tuổi.

Kỹ năng các bé đạt được sau tuần khủng hoảng thứ 11 này là "Khả năng nói dài", tức là bé nào đang nói được một từ thì sẽ bắt đầu nói được 2-3 từ trong một lần, bé nào đang nói được 2-3 từ thì sẽ nói được câu dài hơn 5-6 từ,….

2. Các biểu hiện chung thường gặp của tuần khủng hoảng

Trước tiên xin có mấy lưu ý nhỏ:

  • Tùy vào từng kỳ tuần khủng hoảng mà các biểu hiện sẽ khác nhau.

  • Tùy vào từng bé mà các biểu hiện sẽ khác nhau.

Dưới đây chỉ là tập hợp các biểu hiện chung thường có mà Ăn dặm 3in1 đã tổng hợp,  bé có thể có tất cả các biểu hiện này, hoặc chỉ có 1 vài biểu hiện. Bảng mô tả lịch các kỳ tuần khủng hoảng của trẻ chỉ mang tính chất tham khảo bởi còn nhiều thay đổi tùy vào từng sự phát triển của trẻ nhỏ.

Vì vậy cách tốt nhất để xác định được là bé có đang trong tuần khủng hoảng hay không bố mẹ cần quan sát hành vi, biểu hiện của bé rồi đối chiếu với thời gian trên bảng 10 tuần khủng hoảng. Nhiều bé có thể rơi vào tuần khủng hoảng (ww) sớm hoặc trễ hơn so với lịch.

Các biểu hiện trẻ đang trong tuần khủng hoảng bố mẹ dễ nhận thấy như: 

  • Quấy khóc cả ngày, hay cáu giận vô lý

  • Đang ngủ ngon dậy khóc, càng dỗ càng khóc to và dường như không có cách gì để bé đừng khóc. (Trước đó ngủ rất thẳng giấc và ngủ sâu).

  • Chán ăn, bỏ ăn, ăn ít (trước đó đang ăn rất tốt).

  • Đòi bế cả ngày, bám mẹ nhiều hơn.

  • Nhút nhát hơn, sợ người lạ.

  • Ghen tị.

  • Thay đổi tâm trạng nhanh chóng, đang vui có thể ngay lập tức khóc, đang khóc vui luôn.

  • Mút tay nhiều, thích ôm ấp 1 món đồ quen thuộc nhiều hơn. 

  • Đối với các bé lớn (trên 1 tuổi), có thể có nhiều hành động “trở lại tuổi thơ”, ví dụ như đã biết đi tự dưng lại thích bò, đã biết xúc lại bỏ xúc đòi bốc tay, đã cai sữa tự dưng lại ra mò ti đòi bú. Nếu bé không được đáp ứng các yêu cầu này bé sẽ trở nên cáu giận vô lý.

  • Ôm ấp hoặc tìm kiếm một vật gì đó khi ngủ để dễ ngủ hơn

tuần khủng hoảng của trẻ nhỏ
Trẻ quấy khóc nhiều hơn trong suốt thời gian Bão tố của tuần khủng hoảng

3. Sau qua thời gian khủng hoảng bé có thể học được rất nhiều kỹ năng 

Trải qua một thời gian thay đổi khắc nghiệt, tùy từng em bé khác nhau mà có thể học được những kỹ năng, thái độ khác nhau. Dưới đây là một số hành vi mà đa phần các bé đều học được sau những tuần khủng hoảng phát triển kỹ năng.

Tuần khủng hoảng 1 (5 tuần tuổi)

Sau khi kết thúc tuần khủng hoảng này bé sẽ có những chuyển biến tích cực về các giác quan, nếu quan sát kỹ bố mẹ sẽ thấy trẻ bắt đầu thích nhìn quan sát mọi vật xung quanh, muốn mọi người lại gần bé hơn để bé được chạm. Chỉ cần trêu đùa bé một chút là bé sẽ vui vẻ cười với moi người.

Tuần khủng hoảng 2 (8 tuần tuổi)

Sau giai đoạn quấy khóc nhiễu mẹ bé dần trở về nếp sinh hoạt bình thường, bé sẽ bắt đầu cảm thấy hứng thú với đồ chơi xung quanh. Bố mẹ nên treo một số đồ chơi để tiện bé nằm có thể thích thú với chúng. Đồng thời sau tuần khủng hoảng này bé cũng biết quan sát cơ thể mình, chăm chú lắng nghe những âm thanh nhỏ nhất phát ra từ mọi thứ xung quanh.

Tuần khủng hoảng 3 (12 tuần tuổi)

Ở giai đoạn này bố mẹ sẽ thấy lịch sinh hoạt của con có thay đổi chút nhiều, bé thức khuya bắt bố mẹ chơi cùng nhiều hơn. Bé cáu khỉnh vì không thể nẫy được, nếu nẫy thành công bé sẽ cười thật vui tươi với mọi người xung quanh.

Ban ngày mẹ đã vận lộn với cả mớ công việc đêm đến trẻ lại không chịu ngủ chỉ thích chơi, chắc chắn không ít bố mẹ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, nhưng chỉ cần qua tuần khủng hoảng này bé sẽ trở lại vui vẻ và sinh hoạt bình thường.

Tuần khủng hoảng 4 (19 tuần tuổi)

Đây là giai đoạn mà rất nhiều bố mẹ hiểu nhầm con đói, cần cho con ăn dặm bởi vì trẻ bắt đầu thích mút tay, đòi thức ăn của người lớn, hứng thú với cách người lớn ăn. Thực tế ở giai đoạn này trẻ bắt đầu học được cách cho đồ vật vào miệng, đẩy ti mẹ ra khi đã ti no,..

Tuần khủng hoảng 5 (26 tuần tuổi)

Sau giai đoạn này trẻ đã có khả năng ngồi, biết hét cười to và đặc biệt là biết cách nhổm người dậy.

Tuần khủng hoảng 6 (37 tuần tuổi)

Trẻ có thể đáp lại một số câu hỏi của người lớn bắng cách cười, nhốm người, đưa tay với, ngoài ra trẻ cũng có khả năng bắt chước người khác, thích nghe nhạc và đung đưa người theo nhạc.

Tuần khủng hoảng 7 (46 tuần tuổi)

Sau thời kỳ quấy khóc ỉ ôi trẻ sẽ biết cách trả lời bằng một số câu ngắn, đơn giản, biết chỉ vào các đồ vật mà mình ưa thích cùng với đó là chơi xếp chồng mọi vật lên nhau.

Tuần khủng hoảng 8 (55 tuần tuổi)

Kỹ năng mới mà bố mẹ thấy ở trẻ sau tuần khủng hoảng thứ 8 là khả năng vịn vào thứ gì đó để tập đi hoặc đi vững, có thể chạy được một đoạn khá xa, ngoài ra trẻ còn thích tự cởi đồ, lột hết mọi đồ trên người nếu không thích.

Tuần khủng hoảng 9 (64 tuần tuổi)

Sau giai đoạn này bố mẹ sẽ thấy em bé của mình đã thực sự lớn, trẻ đã biết cách nũng nịu bố mẹ, pha trò để cả nhà cùng vui, cùng cười.

Tuần khủng hoảng 10 (75 tuần tuổi)

Trẻ có khả năng đi vững, chạy nhảy, biết nhìn mọi thứ quan sát rồi tò mò chỉ trỏ cho người lớn. Các dấu hiệu về phát triển ngôn ngữ cũng biểu hiện nhiều hơn ở giai đoạn này.

4. Tại sao kỳ phát triển mà lại khó chịu thế 

Nhiều mẹ thắc mắc phát triển cứ phát triển, sao mà tự dưng chúng nó lại dở chứng kinh dị như thế?

Tưởng tượng thế này, khi bạn đọc 1 cuốn tiểu thuyết ngôn tình sướt mướt, hay là xem 1 bộ phim Hàn Quốc với các tình tiết gay cấn hấp dẫn, bạn sẽ thế nào? Có phải sẽ muốn nhanh nhanh chóng chóng đọc cho hết quyển truyện, xem cho hết bộ phim để xem kết quả cuối cùng anh đầu xoăn đẹp giai có lấy cô lùn tịt xấu gái nhà nghèo nhưng cá tính kia hay không?

Rồi thì bạn bỏ cả ăn (hoặc vừa ăn vừa dí mắt vào màn hình), bỏ cả ngủ (thức đến 4-5h sáng luyện cho xong) để xem cho nhanh. Rồi thì chả mấy lúc ý có đứa nào mà gọi điện rủ bạn đi chơi, đi shopping, không khéo chả bị bạn chửi cho 1 trận vì “bố của nợ làm phiền tao”.

Con của bạn cũng vậy! Thời kỳ Bão tố là lúc bé đang “Luyện chưởng”, rất tập trung chăm chú, cần mẫn và kiên trì để học cho bằng được “tuyệt chiêu” mới, có thể là lẫy, có thể là bò trườn, hay mơ hồ hơn là khả năng hiểu được mớ ngôn từ mà “bọn người lớn” cứ ra rả bên tai bé hàng ngày là cái gì…

Chính vì vậy, nhưng lúc đó bé thường bỏ ăn, bỏ ngủ, đang đêm ngủ ngon tỉnh giấc nhớ ra “bí kíp” chưa luyện xong, buồn quá.. khóc… Rồi thì luyện mãi không xong, bé quay ra cáu, giận, bực bội. Đã thế “người lớn” đôi khi hiểu chuyện lại lao vào la hét, quát mắng, hoặc lo lắng thái quá, nhồi ép ăn, ép bú, ép ngủ, hay tệ hơn là lôi đi bác sĩ khám…làm cản trở quá trình “luyện chưởng” của các đại ca, đại tỷ….

Và tất nhiên, luyện mãi ko được, người ta sẽ buồn, buồn quá thì cần nơi nương tựa, chia sẻ, động viên, khích lệ và người ta tìm đến ai? MẸ MẸ MẸ!!! Và đó là lý do tại sao người ta nhõng nhẽo, bám mẹ sát sạt.

5. Tuần khủng hoảng bố mẹ nên làm gì 

Lý thuyết thì rất nhiều, nhưng kinh nghiệm kinh điển thương rất đơn giản, mẹ hãy đọc thần chú "MACKENO" - kệ kệ và kệ

  • Đang ngủ dậy khóc: "Kệ", hãy để cho các nàng, các chàng được quyền khóc, khóc cho đã đi, rồi mẹ hãy lại gần vỗ về bé. Đơn giản là vì, có lại gần ngay từ đầu, cố gắng dỗ dành cũng ko giải quyết được vấn đề gì.

  • Chán ăn, ăn ít, lười bú: "Kệ", khi bé hết thời kỳ tuần khủng hoảng các đại ca, đại tỷ sẽ ăn bù, chả sao cả.

  • Nhõng nhẽo, ăn vạ " Lại kệ". Lại cho các bạn ĐƯỢC QUYỀN KHÓC.

  • Nói chung là thế, nhưng tất nhiên cũng có 1 vài giải pháp nho nhỏ khác ngoài việc KỆ nhé, nói ra ko các mợ lại bảo em “tư vấn cũng như không” 

  • Đầu tiên là nên cho các bạn trẻ đi ngủ giấc đêm sớm hơn bình thường 30 - 45 phút.

  • Cắt đi 1 giấc ngày (áp dụng với tuần 12 - 26 hoặc 37 - 55 hoặc 64). TẠI SAO? Rằng thì là mà các tuần này là các tuần mà bọn “sâu ngủ” muốn trở thành “trí thức”, chúng nó đang muốn ngủ ít hơn, phá nhiều hơn và gọi tên 1 cách mỹ miều thì là những giai đoạn mà các bạn ý muốn CẮT NGỦ NGÀY (giảm số lượng/thời gian các giấc ngủ ban ngày)

  • KHÔNG ÉP CON ĂN, đừng biến biếng ăn sinh lý thành biếng ăn tâm lý. Mẹ chỉ cần đợi đến lúc con ĐÓI con ĐÒI thì mẹ cho ăn là được.

  • Quan tâm con nhiều hơn, cùng chơi các trò chơi để luyện tập các kĩ năng con đang học.

  • Khi bé quấy khóc, giúp bé quên đi sự khó chịu bằng cách cho bé thực hiện hoạt động bé thích nhất, mát xa cho bé, cho bé đi ra ngoài chơi, nghịch nước.

  • Cho đi chơi, cho hoạt động càng nhiều càng tốt. Đi chơi để quên buồn bực, hoạt động nhiều để cho “mệt”, mệt quá thì lăn ra ngủ say quay tít, ko có sức dậy mà gào thét.

  • Cuối cùng, học cách chịu đựng tiếng khóc của con. HÃY ĐỂ BỌN TRẺ ĐƯỢC QUYỀN KHÓC. (Tại sao lại nói là được quyền khóc? Bởi vì tớ biết có rất rất nhiều mẹ sợ con khóc, con hơi e e 1 tẹo là đã chạy vội lại dỗ dành, ôm ấp, làm đủ trò để con không khóc, mà thực ra, khóc là 1 quyền của trẻ, để thể hiện tâm trạng, để giải tỏa sự khó chịu, bức xúc, ấm ức trong người… vậy thì tại sao lại ngăn con khóc?)

Trên đây là một số kiến thức mà Ăn dặm 3in1 đã tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích dành cho các bố mẹ có con nhỏ. Để có thêm nhiều kiến thức hơn về ăn dặm, về tâm lý của con, hãy tham khảo khóa học ăn dặm của Ăn dặm 3in1 - FamiEdu tại ĐÂY nhé!

Tin liên quan

Thong ke

Video