Thực tế, giá trị dinh dưỡng cũng như công dụng đối với sức khỏe (đặc biệt là sức khỏe trẻ nhỏ) của loại quả cam còn phong phú hơn “sự mát” rất nhiều. Bố mẹ và các bạn nhỏ hãy cùng tham khảo những thông tin trong bài viết của chúng mình dưới đây nhé!
Trong quả cam có một lượng vô cùng dồi dào các vitamin C và các chất chống oxy hóa. Trung bình 100g cam có chứa khoảng 53.2mg vitamin C, gấp khoảng 3.5 lần nhu cầu vitamin C mỗi ngày của trẻ từ 1-3 tuổi. Lượng vitamin C này có vai trò quan trọng trong việc hình thành các mô, xương và tế bào máu, giúp nướu trẻ khỏe mạnh, củng cố mạch máu, lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C còn có tác dụng giúp cơ thể trẻ hấp thu sắt từ các nguồn thực phẩm khác.
Ngoài vitamin C, trong quả cam còn chứa khoảng 170 thành phần chất chuyển hóa dinh dưỡng thực vật, trong số này rất nhiều chất mang lợi ích kháng viêm và tác dụng chống oxy hóa. Hoạt động chống oxy hóa giúp làm giảm các nguy cơ tấn công của môi trường, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các loại vi khuẩn, virus, nấm, kí sinh trùng, giúp tăng cường sức khỏe cho bé trong thời gian dài.
Đặc biệt, phải kể đến polyphenol và choline. Trong đó, polyphenol là một hợp chất thực vật có nhiều trong cam và các loại quả có múi nói chung, với tác dụng phòng chống virus, chống viêm, chống dị ứng… Còn choline là một chất dinh dưỡng quan trọng tương tự như các vitamin B, giúp cân bằng cơ thể, phát triển các giác quan thần kinh, giúp giảm thiểu nguy cơ viêm mạn tính.
Những chất oxy hóa và chất dinh dưỡng có trong quả cam còn giúp ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng sốt, ho, cảm cúm thông thường ở trẻ.
Nước ép cam cũng có tác dụng tăng cường thể lực ngay tức thì vì trong cam có 1 lượng đường fructoza và khoảng 85-87% lượng nước có tác dụng giải khát và bồi bổ thể lực. Bởi vậy sau khi bé vận động ra nhiều mồ hôi, mẹ có thể cho bé uống nước cam có bỏ thêm chút xíu muối để giải nhiệt và lấy lại năng lượng.
Trong cam cũng rất giàu chất xơ, đây là chất giúp cân bằng hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tính trạng táo bón ở trẻ nhỏ.
Ngoài lượng chất xơ dồi dào, cam còn có đầy đủ chất béo (sterol) được tìm thấy trong các loại hạt, trái cây và rau quả. Những sterol này chặn cholesterol không cho các tế bào trong ruột hấp thụ, giúp cân bằng hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Với trẻ bị tiêu chảy, việc bổ sung nước cam cũng giúp bù lượng nước và các chất điện giải cho trẻ.
Lượng omega-3, omega-6 và các vitamin B trong quả cam cam giúp tăng cường sự phát triển não bộ và trí thông minh của bé.
Với mẹ đang mang thai, việc bổ sung cam vào thực đơn ăn hàng ngày sẽ có vai trò cung cấp một lượng axit folic nhất định. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh của bé, giúp giảm các nguy cơ bị dị tật bẩm sinh có liên quan đến não và tủy sống. Ngoài ra, axit folic cũng giúp mẹ ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu, sinh non và giảm nguy cơ mắc phải các tai biến trong thai kỳ. Chất này cũng rất cần thiết trong việc nhân đôi ADN và giúp tránh đột biến ADN (vốn là một yếu tố gây ung thư).
Trong cam rất giàu các hợp chất carotenoid, một dạng sắc tố hữu cơ, được chuyển đổi thành vitamin A giúp phát triển thị lực, cho trẻ đôi mắt sáng và tinh nhanh.
Vỏ cam có tính chất chống viêm và kháng histamine, có tác dụng làm giảm các biểu hiện hoặc tránh các triệu chứng dị ứng thời tiết hay nổi mề đay thể nhẹ ở trẻ. Các loại chất chống oxy hóa trong cam giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể kích hoạt quá trình giải độc cơ thể, đặc biệt là giải độc da, giúp giảm tình trạng mẩn ngứa, rôm sảy ở trẻ, nhất là trong mùa nóng.
Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Quốc gia, với bé dưới 6 tháng tuổi, trong sữa mẹ đã có rất nhiều vitamin C có thể đáp ứng cho nhu cầu mỗi ngày của bé. Vì vậy bố mẹ không cần phải bổ sung nước cam cho bé. Thay vào đó, các mẹ hãy bổ sung, duy trì thói quen ăn, uống nước cam hằng ngày cho mình.
Một thông tin khác theo khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) là trẻ dưới 1 tuổi không nên uống nước ép hoa quả. Bố mẹ có thể tham khảo và cân nhắc về thời điểm cho bé ăn, uống nước cam cũng như cung cấp lượng cam phù hợp mỗi ngày cho bé nhé.
Có thể là với trẻ từ 6 tháng, bố mẹ có thể cho bé bắt đầu ăn múi cam (với bé ăn dặm tự chỉ huy) hoặc uống nước cam pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:10 (tỉ lệ nước cam và lượng nước cam sẽ tăng dần khi bé lớn hơn).
Lượng cam bé ăn, uống mỗi ngày cần tùy thuộc theo nhu cầu của trẻ. Việc để trẻ ăn, uống quá nhiều cam sẽ khiến cơ thể bé bị “quá tải” vitamin C và một số chất khác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé (như đầy bụng, khó tiêu, thậm chí là nguy cơ mắc bệnh sỏi thận…). Ngoài ra, lượng đường có trong cam cũng có thể khiến bé gặp các vấn đề về răng miệng nếu ăn, uống quá nhiều.
Protein trong sữa sẽ phản ứng với vitamin C và các axit có trong cam, gây nên hiện tượng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy… nhất là đối với trẻ nhỏ với hệ tiêu hóa còn chưa hoàn chỉnh lắm. Không chỉ vậy, nó còn ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng trong thức ăn. Vì vậy, khi chó bé sử dụng 2 loại thực phẩm này, mẹ lưu ý cần để cách thời gian ít nhất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Cam là một loại quả siêu quen thuộc với hai cách sử dụng phổ biến nhất là bóc lấy múi để ăn, vắt nước để uống hoặc trộn cam (cùng một số loại quả khác như nho, táo, lê, dâu tây…) cùng với sữa chua để thành món sữa chua dầm hoa quả.
Tuy nhiên nếu bạn muốn biến tấu các món ăn khác nhau nữa từ cam cho bé, tham khảo các món dưới đây:
Nguyên liệu:
Xoài
Cam
Nước cốt dừa
Đường thốt nốt/ đường hữu cơ
Cách làm:
Cam bổ đôi, vắt lấy nước
Xoài gọt vỏ, cắt thành miếng nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố, thêm nước cam, thêm đường và nước cốt dừa rồi xay hỗn hợp nhuyễn mịn.
Bạn có thể cho bé dúng ngay hoặc cất ngăn mát tủ lạnh rồi dùng sau đó.
Nguyên liệu:
Cháo nguyên liệu
Cam
Khoai lang nghiền
Cách làm:
Khoai lang gọt vỏ đem hấp chín rồi nghiền nhuyễn, rây qua lưới
Cam cắt đôi rồi đem vắt lấy nước, trộn đều cam với khoai lang đã nghiền ở trên.
Lấy một nồi nhỏ cho cháo nguyên liệu cùng cam và khoai tây vào đun, bạn đun với lửa nhỏ, tới khi cháo nóng sôi lên thì tắt bếp.
Vậy là món cháo trắng thêm vị bùi của khoai, vị ngọt thanh của cam rồi. Đảm bảo các bạn bé sẽ cảm thấy vô cùng ngon miệng đấy.
Nguyên liệu:
Cá hồi phi lê
Măng tây
Ớt chuông đỏ
Cam tươi (cam vỏ vàng)
Đường thô hữu cơ: tùy vị
Bột bắp/bột sắn/bột năng (hoặc)
Bơ nhạt
Cách làm:
Măng tây cắt thanh, ớt chuông thái miếng vừa ăn
Cá hồi, măng tây, ớt chuông đỏ áp chảo với bơ nhạt cho chín và để riêng
Cam tươi vắt lấy nước, đun sôi, thêm đường vừa ăn, thêm nước bột sắn làm đặc
Xếp ớt chuông dưới cùng, măng tây lớp thứ 2 và cá hồi lên trên cùng, đổ sốt lên.
Với những kiến thức hữu ích trên, Ăn dặm 3in1 hi vọng bố mẹ đã bỏ túi thêm cho bản thân kiến thức hay về lợi ích sức khỏe từ trái cam.
Ăn dặm 3in1 (TH)
20/01/2020
12/01/2020
09/01/2020