Phong tục cúng ông Công ông Táo của người Việt bắt nguồn từ đâu

Phong tục cúng ông Công ông Táo của người Việt bắt nguồn từ đâu

17/01/2020 10:01
Từ xưa tới nay, người Việt luôn tin rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, hàng năm cứ vào dịp 23 tháng Chạp táo quân sẽ về chầu trời báo cáo mọi việc tới Ngọc Hoàng. Để được giúp đỡ cũng như thuận tiện cho Táo quân về trời, cứ vào dịp này người Việt thường làm lễ tiễn đưa trọng thể.

Nguồn gốc của phong tục cúng ông Công ông Táo

Trong cuốn “Cơ sở Văn hóa Việt Nam’ do nhà xuất bản Giáo dục phát hành vào năm 1999, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho răng, thổ Công là vị thần trong coi gia cư định đoạt toàn bộ phúc họa cho gia đình nên người dân vẫn có câu “ Đất có Thổ Công sông có Hà Bá”. Trong đó, Thổ Công là một hình tượng bộ ba được lưu truyền trong dân gian với rất nhiều câu chuyện và sự tích khác nhau.

Nhưng về đại thể, dân gian Việt Nam cũng lưu truyền một câu chuyện đơn giản về sự tích ông Táo về chầu trời. Ngày xưa có một cặp vợ chống nghèo khổ, sau một năm mất mùa người chồng đã bỏ quê đi làm ăn xa nhưng lại nhiều năm bặt tin không về. Thương nhớ chồng, người vợ để tang chồng nhiều năm sau đó kết duyên cùng môt người cưu mang nàng.

Một ngày nọ, bỗng người chồng cũ quay về, sự tình đã vậy người vợ không biết làm cách nào chỉ biết ôm chồng khóc rồi đem cơm cho ăn. Để tránh tiếng, người vợ bảo chồng trốn ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.

Thấy chồng cũ chết oan, người vợ thương xót nhảy vào đống lửa chết cùng. Thấy vậy, người chồng mới nhảy vào lửa chết theo. Trời thấy 3 người sống tình nghĩa nên đã cho họ làm vua Bếp để được ở gần nhau, để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ.

Còn theo tác giả Nhất Thanh trong Đất lề quê thói, học phái Lão Tử cho rằng ông Công là một vị thần trông coi việc thiện, ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng.

Ngoài ra, trong cuốn “ Nghi lễ dân gian- Nghi lễ cúng gia tiên”, tác giả Minh Đường có đưa ra thần Bếp là vị thần gần gũi nhất với cuộc sống của người dân ở dân gian. Hàng năm cứ 23 tháng Chạp thần Bếp sẽ về chầu trời báo cáo toàn bộ mọi việc xảy ra ở tại mỗi gia đình. Thông qua báo cáo của thần Bếp, Ngọc Hoàng sẽ có những thưởng phạt khác nhau cho mỗi gia đình.

Một năm mới bắt đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng tết ông Táo, ông Táo sẽ về chầu trời vào ngày 23 tháng Chạp, và quay trở về vào ngày 30 để bắt đầu năm mới. Như vậy hệ thống lễ tết tạo thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.

Ý nghĩa của phong tục cúng ông Công ông Táo

Không những định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình, phước đức từ những việc làm đúng theo đạo lý của gia chủ và những người trong nhà; các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Ngoài ra, theo học phái Lão Tử, ông Công là một vị thần trông coi việc thiện, ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng.

Người dân thành kính phụng thờ, tin tưởng thần lực của các vị Táo quân. Họ thường nghĩ đến Táo quân khi trong nhà có việc không suôn sẻ.

Ngoài ra, ông cũng lý giải về mối quan hệ giữa Thổ Công (địa thần) với ông bà tổ tiên (nhân thần). Cụ thể, Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất nhưng ông bà tổ tiên được tôn kính nhất.

Để không làm mất lòng ai, người dân xếp cho tổ tiên ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công ở gian bên trái (theo Ngũ hành, bên trái - phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm).

Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực của địa thần lại lớn hơn, Thổ Công được coi là Đệ nhất gia chi chủ. Mỗi khi giỗ cha mẹ, người dân đều phải khấn Thổ Công trước rồi xin phép cho cha mẹ được về "phối hưởng".

Tin liên quan

Thong ke

Video