21 câu hỏi về cách sử dụng chất đạm trong ăn dặm

21 câu hỏi quan trọng về cách sử dụng chất đạm trong ăn dặm

24/04/2018 09:04

Trong thời kỳ ăn dặm của bé, bé cần được cung cấp đầy đủ các loại dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh, ngoài các chất khác như tinh bột, vitamin,... thì đạm (protein) là nguồn dinh dưỡng quan trọng để tạo cơ bắp, hoàn thiện tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ 

Cùng Ăn dặm 3in1 tìm hiểu về cách sử dụng chất đạm trong ăn dặm cho bé, một số câu hỏi thắc mắc mà bố mẹ thường gặp khi sử dụng đạm.

1. Nhu cầu chất đạm của con theo từng giai đoạn

Thông thường nhu cầu sử dụng chất đạm của trẻ nhỏ như sau:
  • Bé dưới 6 tháng tuổi cần khoảng 20-22g đạm 1 ngày;

  • Bé từ 6-12 tháng tuổi cần từ 23-25g một ngày,

  • Bé 1-2 tuổi cần 28-30g một ngày.

Hàm lượng đạm trong 100g thực phẩm theo từng loại như sau: thịt lợn, thịt bò, thịt gà nạc có 20-21g đạm; cá, tôm (chỉ tính phần thịt) 16-18g; trứng gà/vịt 13-14g.
 
Như vậy 1 ngày bé 6-12 tháng tuổi cần khoảng 115-125g thịt, bé từ 1-2 tuổi cần 140-150g thịt. Đối với trứng thì 1 quả trứng gà có lượng đạm tương đương với 30g thịt nạc.
 
Tuy nhiên, đạm đã có trong sữa, các loại đậu đỗ với hàm lượng khá cao, đồng thời có trong rau củ, pho mát và nhiều thức ăn khác nên thực tế bé 6-12 tháng chỉ nên ăn 60-80g/ngày, bé 1-2 tuổi ăn 100-120g/ ngày.
 
Các mẹ chú ý để bé không bị thừa đạm. Bé ăn quá nhiều đạm sẽ không tốt cho hệ tiêu hoá, dễ bị táo bón, gan và thận phải làm việc quá sức khiến cơ thể bé mệt mỏi. Thêm nữa, tỉ lệ cân đối giữa đạm với bột đường, chất béo, vitamin trong 1 bữa ăn rất quan trọng để đạm được hấp thu tốt nhất, vì thế mẹ không nên quá ưu tiên đạm mà lơ là các nhóm dưỡng các khác.
Thực phẩm chứa đạm trong ăn dặm
Thực phẩm dồi dào đạm 

2. Thịt đỏ và thịt trắng, thịt nào tốt hơn?

Thịt đỏ gồm các loại thịt bò, thịt bê, thịt trâu, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu. Thịt đỏ giàu đạm, sắt, kẽm, đồng thời còn chữa những axit béo hữu ích cho sức khoẻ như omega-3, omega-6. Thịt trắng gồm thịt gà, vịt, ngan, ngỗng, cá. Thịt trắng giàu đạm và là loại đạm cơ thể dễ hấp thu.
 
Thịt trắng ít năng lượng hơn thịt đỏ nhưng lại chứa nhiều chất béo không bão hoà rất tốt cho cơ thể, thịt trắng cũng có ít cholesterol hơn thịt đỏ. Người trưởng thành, những người thừa cân và có bệnh tim mạch thường được khuyên hạn chế thịt đỏ mà ăn thịt trắng. Nhưng đối với các bé đang trong giai đoạn tăng trưởng quan trọng này, mẹ hãy cho bé ăn cả 2 loại thịt vì loại nào cũng tốt cho bé.

3. Đạm động vật tốt hơn hay đạm thực vật tốt hơn?

Đạm động vật có nguồn gốc từ các loại động vật (gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản). Đạm động vật chứa đầy đủ các axit amin thiết yếu, có giá trị sinh học cao nhất là đạm trong sữa và trứng. Còn đạm thực vật có nguồn gốc từ các loại cây trồng. Thực phẩm thực vật chứa nhiều đạm là các loại đỗ tương, đỗ xanh, đỗ đen, đỗ trắng, vừng, lạc.
 
Đạm thực vật có giá trị dinh dưỡng kém hơn đạm động vật do thiếu 1 hoặc 1 số axit amin thiết yếu, hoặc các axit amin sắp xếp không cân đối. Vì vậy với trẻ em nên ăn nhiều đạm động vật hơn, còn người già mới nên ăn nhiều đạm thực vật (vì đạm động vật có đủ các axit amin thiết yếu nhưng lại không ở dạng thuần nhất mà thường ở dạng liên hợp, trong quá trình chuyển hoá chúng có thể tạo ra 1 số chất trung gian không tốt cho cơ thể người già).

4. Con ăn cá tốt hơn hay ăn thịt tốt hơn?

Cá và thịt đều là những thực phẩm tốt về mặt dinh dưỡng. Thịt cung cấp các axit amin cần thiết cho bé, đồng thời có các vitamin và khoáng chất quan trọng như sắt, kẽm, đồng... Cá cũng giàu các axit amin cần thiết, các khoáng chất như canxi, photpho, mỡ cá có nhiều vitamin A, D, lại là thức ăn dễ tiêu hoá và hấp thu. Việc cho bé ăn phối hợp cả 2 loại sẽ tạo sự ngon miệng, giúp bé ăn được đa dạng các loại thức ăn.

5. Có phải cần tránh cho con ăn những loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao?

Đúng. Cá là món ăn bổ dưỡng với trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn bé ăn dặm. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé ăn 1 số những loại cá như cá thu (loại lớn), cá mập, cá kiếm... có hàm lượng thuỷ ngân khá cao trong thịt cá. Thuỷ ngân sẽ gây tổn thương đến não bọ và hệ thần kinh còn non yếu của bé. Dù chưa có báo cáo chính thức về mức độ tổn thương mà thuỷ ngân gây ra nhưng hầu hết các nhà khoa học đều khuyến cáo không nên cho bé ăn những loại cá này.

6. Cho con ăn ức gà, lườn gà, hay đùi gà tốt hơn?

Nhiều mẹ luôn dành phần thịt ức hoặc lườn gà cho bé vì nghĩ đó là phần ngon nhất. Ức và lườn gà nhiều đạm, ít chất béo, còn đùi gà ít đạm hơn nhưng lại giàu chất béo, giàu sắt và kẽm. Sẽ thật thiệt thòi nếu bé không được ăn phần đùi gà, vì thế mẹ hãy cho bé ăn cả 2 phần thịt, vừa đổi vị, vừa đa dạng chất dinh dưỡng cho bé.
Gợi ý cho cả gia đình: 10 món ngon từ thịt gà

7. Trứng bổ dưỡng thế nào với con?

Có nên bỏ lòng trắng trứng? Trứng rất giàu dinh dưỡng, trong trứng có protein có giá trị sinh học cao, giàu canxi, phốt pho, sắt, chất khoáng, các men, hooc môn và nhiều vitamin có lợi nên trứng luôn là thực phẩm quan trọng trong bữa ăn của bé. Trứng là thực phẩm dễ gây dị ứng với bé, nhất là lòng trắng trứng, vì thế mẹ nên cho bé ăn lòng trắng trứng khi bé đã được 1 tuổi. Lòng trắng trứng có hàm lượng protein cao, và tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong lòng trắng trứng tương quan với nhau rất thích hợp và cân đối, bỏ đi sẽ rất phí.

8. Cho con ăn trứng bao nhiêu là hợp lý?

Vì trứng rất nhiều dinh dưỡng nên nếu bé ăn nhiều quá sẽ bị đầy bụng khó tiêu. Bé 6-7 tháng tuổi nên ăn một lòng đỏ một bữa, tuần 2-3 lần. Bé 8 tháng tuổi đến 1 tuổi ăn 1 lòng đỏ 1 bữa, tuần 3-4 lần. Bé 1-2 tuổi ăn cả lòng trắng lòng đỏ 1 bữa, tuần 3-4 lần. Trên 2 tuổi bé có thể ăn 1 quả 1 ngày nếu thích.

9. Trứng gà tốt hơn hay trứng vịt tốt hơn cho con?

Vì trứng vịt lớn hơn trứng gà không nhiều nên nếu so 1 quả trứng gà với 1 quả trứng vịt thì giá trị dinh dưỡng không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, trứng gà có thành phần vi chất dinh dưỡng tốt hơn trứng vịt, ví dụ, trứng gà có hàm lượng vitamin A, kẽm cao hơn, trứng gà còn có cả vitamin D, một vi chất ít có trong thức ăn.
 
Thêm vào đó, gà thường đẻ ở nơi sạch sẽ hơn nên trứng ít bị nhiễm bẩn và mùi vị cũng thơm ngon hơn. Vì thế bé ăn trứng gà thì tốt hơn trứng vịt.

10. Chế biến trứng thế nào là tốt nhất cho con?

Mẹ không nên cho bé ăn trứng sống, không nên đánh trứng sống vào trong cháo nóng, hoặc luộc, ốp trứng lòng đào, vì như vậy không tận dụng được dinh dưỡng trong trứng mà hơn nữa trứng sống dễ bị nhiễm khuẩn. Cũng không nên nấu, luộc quá kỹ vì trứng trở nên khó hấp thụ hơn và mùi vị cũng kém ngon.
 
Tỉ lệ hấp thụ và tiêu hoá dinh dưỡng trong trứng có khác nhau qua từng cách chế biến. Nếu ăn trứng sống, cơ thể chỉ hấp thu được 40%, trứng rán kỹ hấp thu 81%, trứng ốp 85%, trứng rán chín tới 98.5%, trứng luộc chín tới 100%.

11. Có nên cho con ăn trứng vịt lộn, trứng cút lộn?

Trứng vịt lộn, cút lộn tuy giàu chất dinh dưỡng, nhưng với trẻ ở giai đoạn ăn dặm không nên cho ăn, vì bộ máy tiêu hoá của trẻ còn non yếu, ăn vào gây đầy bụng khó tiêu. Bé từ 5 tuổi trở lên mới nên ăn và cũng chỉ ăn 2-3 lần/tuần, mỗi lần ½ quả vịt lộn hoặc 4 quả cút lộn.

12. Cho con ăn trai, hến, ngao, sò có tốt không?

Trai hến là món ăn yêu thích của người Việt vì mùi vị thơm ngon lại rất giàu dinh dưỡng. Trai, hến, ngao, sò giàu đạm, sắt, vitamin B12, kẽm, canxi, axit béo omega-3, DHA và EPA nên cho bé ăn rất tốt. Nhưng mẹ lưu ý ngoài 1 tuổi mới nên cho bé ăn, và khi ăn hãy theo dõi phản ứng của bé vì đây là hực phẩm dễ gây dị ứng. Cũng không cho bé ăn liền nhiều ngày kẻo bé bị lạnh bụng.
 
Mẹ hãy chọn mua những con trai, hến tươi ngon, không nứt vỡ, tốt nhất là kiểm tra được nguồn gốc của trai. Nên ngâm trai, hến trước khi luộc một thời gian để trai, hến nhả bớt phần chất thải ra ngoài. Khi rửa thịt trai hãy làm sạch cặn, loại bỏ phần túi phân rồi mới đem nấu. Mẹ không nên mua trai, hến đông lạnh vì vị không tươi ngon và chất cũng bị hao hụt.

13. Có nên cho con ăn lươn?

Lươn là 1 món ăn bổ dưỡng bởi thành phần dinh dưỡng cao. Trong 100g thịt lươn có 12.7g chất đạm và 25.6g chất béo, cùng các vitamin A, B1, B6 và các khoáng chất sắt, canxi, kali, natri. Chất dinh dưỡng trong lươn còn cao hơn tôm đồng, cua đồng, trai, hến.
 
Nhưng mẹ cần chọn mua lươn tươi, tránh mua phải lươn ươn kẻo bé bị ngộ độc. Khi nấu lươn mẹ hãy nấu chín kỹ vì trong lươn có các loại ký sinh trùng sống dai và chịu được nhiệt độ cao, nếu chỉ nấu qua, ký sinh trùng này có thể đi vào ruột của bé.

14. Khi nào cho con ăn đậu phụ?

Đậu phụ giàu đạm sắt, và canxi nên cho bé ăn rất tốt, tuy nhiên vì thành phần protein của đậu phụ hơi khó tiêu, có thể khiến dạ dày bé khong tiêu hoá hết, vậy nên ngoài 8 tháng mẹ mới nên cho bé ăn. Nhưng cũng không nên cho bé ăn quá nhiều vì lượng protein trong đậu phụ có giá trị sinh học không cao, hãy ưu tiên trứng, sữa, thịt, cá nhiều hơn.

15. Con không chịu ăn thịt, bổ sung đạm cho con như thế nào?

Dưỡng chất này tồn tại trong rất nhiều thực phẩm khác như các loại đậu tương, đậu xanh, đậu đen, hạt rẻ, hạt điều... đều chứa protein, các sản phẩm từ sữa cũng vậy. Mẹ hãy đa dạng hoá bữa ăn của bé bằng các loại thực phẩm thay thế cho thịt khi bé chán thịt.

16. Có nên cho con ăn gan gà, gan vịt, gan heo, vì theo quan niệm dân gian món gan là độc?

Quan niệm gan là bộ phận lọc các chất độc trong cơ thể nên gan độc là không đúng. Kỳ thực gan rất giàu đạm và các yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, vitamin A, nên cho bé ăn rất tốt. Tuy nhiên phải chọn mua được gan của những con vật khoẻ mạnh, không bị bệnh. Khi sơ chế bóp sạch máu đọng bên trong và phải nấu chín.

17. Tim cật heo có tốt cho con không?

Tim, cật là thức ăn bổ dưỡng, giàu chất đạm, sắt, kẽm, vitamin A. Tuy nhiên hàm lượng chất đạm trong tim, cật thấp hơn nhiều trong các loại thịt, cá nên nếu ăn quá nhiều trẻ dễ bị thiếu chất đạm.

18. Chuyện gì xảy ra khi con ăn quá nhiều đạm

Nhiều mẹ nghĩ rằng đạm là dưỡng chất quan trọng nhất và cho bé ăn càng nhiều càng tốt. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Bé thiếu đạm dễ bị suy dinh dưỡng nhưng bé ăn quá nhiều đạm cũng không có lợi gì, bé sẽ khó tiêu hoá, bị táo bón, dẫn đến chán ăn. Trong quá trình tiêu hoá, chất đạm cũng sinh ra nhiều chất trung gian độc hại khiến gan và thân của bé phải làm việc quá tải, gây mệt mỏi cho cơ thể.

19. Con nên ăn đạm động vật hay là thực vật?

Chất đạm có cả trong động vật và thực vật, tuy nhiên đạm động vật có đủ 8 axit amin ở tỉ lệ cân đối, trong khi đạm thực vật thường không đủ cả 8 axit amin và tỉ lệ giữa chúng cũng không cân đối bằng. Vì thế bé trong độ tuổi ăn dặm nên ăn đạm động vật nhiều hơn và dùng đạm thực vật hỗ trợ, ví dụ thành phần đạm động vật chiếm khoảng 2/3 tổng số đạm trong khẩu phần ăn của bé.

20. Có nên cho con ăn nước hầm xương thịt:

Nếu mẹ nghĩ rằng nước hầm xương thịt có nhiều chất bổ thì mẹ đã nhầm. Nước hầm xương thịt có vị thơm ngon khiến bé ngon miệng nhưng trong phần nước có rất ít đạm, rất ít canxi vì các chất này khó tan trong nước. Cho nên quan niệm ăn nước xương nhiều cho trẻ cứng xương là sai lầm. Vì thế mẹ cứ dùng nước hầm xương thịt cũng được nhưng nhớ cho bé ăn cả phần cái (phần xác) vì các chất dinh dưỡng như đạm, canxi, chất béo, các khoáng chất hầu như đều nằm ở phần cái cả.
 
Riêng với xương ống, mẹ lưu ý là hàm lượng chất béo trong tuỷ xương rất cao, song đó lại là chất béo no khiến bé bị đầy bụng, chán ăn các thức ăn khác. Mẹ nên hạn chế dùng nước hầm xương ống, thay vào đó nên dùng sườn thăn.

21. Có nên cho con ăn thịt cóc?

Niềm tin rằng thịt cóc là “thần dược” giúp bé mau lớn là hoàn toàn sai lầm. Giá trị dinh dưỡng của thịt cóc cũng không hơn gì thịt gà, thịt ếch, tôm cua.. Nhưng ăn thịt cóc tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc cao, vì thế nếu chế biến không cẩn thận, chỉ sơ sẩy 1 chút là những chất độc trong da, trứng và gan cóc có thể nhiễm vào thịt.
 
Ăn thịt cóc nhiễm độc nhẹ thì bị ngộ độc – lạnh người, chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, tụt huyết áp, tim đập chậm, nặng thì tử vong, rất nguy hiểm. Vì thế tốt nhất mẹ hãy tránh xa thịt cóc và cho bé ăn những thức ăn bổ dưỡng khác.
 

Để học thêm nhiều món ngon chế biến ăn dặm cho con, đặc biệt tự thực hành tại lớp, bạn hãy tham khảo lớp học “Đầu bếp của con” cùng bác Hoàng Cường tại ĐÂY nhé!

1 LẦN HỌC - CON ĐƯỢC ĂN NGON TRỌN ĐỜI

thực hành

Tin liên quan

Thong ke

Video