Đặc điểm học kỹ năng của bé trong ăn dặm bé chỉ huy

Đặc điểm học kỹ năng của bé trong ăn dặm tự chỉ huy

02/05/2018 14:05

Giai đoạn đầu tiên trong ăn dặm bé chỉ huy là học kỹ năng,  ở giai đoạn này bé sẽ tập nắm thức ăn, bắt đầu khi bé có tín hiệu sẵn sàng ăn dặm và/hoặc ... Cùng tham khảo series bài kiến thức về ăn dặm bé chỉ huy, FamiCook tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy.

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) có 3 giai đoạn:

Trong nội dung bài viết này FamiCook cùng bố mẹ tìm hiểu về giai đoạn 1 "Tập kỹ năng" trong ăn dặm bé chỉ huy. Trong giai đoạn đầu khi mới tập ăn dặm, những điều mới lạ sẽ khiến cả mẹ và bé có phần bỡ ngỡ.

Nhưng rất nhanh thôi, nếu là người “giỏi quan sát, biết lắng nghe và kiên trì” mẹ sẽ thấy vượt qua giai đoạn này thật thú vị và dễ dàng. Để chuẩn bị tốt mẹ hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm của giai đoạn 1 “Tập kỹ năng” nhé:

Thông thường khi bé được 6 tháng tuổi và hội tụ đủ các điều kiện sẵn sàng ăn dặm thì mẹ sẽ cho bé tập ăn. Nếu bé hội tụ đủ điều kiện để ăn BLW từ lúc được 5,5 tháng thì bạn hoàn toàn có thể cho bé tập từ khoảng thời gian đó (5,5 tháng là thời điểm sớm nhất chúng tôi khuyên bạn cho con ăn dặm BLW, nếu bạn cho con ăn sớm hơn mốc này, chúng tôi không thể đảm bảo được rằng liệu có an toàn cho bé hay không). Một số bé đến 7 tháng mới sẵn sàng để theo BLW thì bạn đừng nên sốt ruột.

Với BLW, bé là người quyết định từ đầu đến cuối, bao gồm cả thời điểm bắt đầu ăn dặm. Vì thế, mẹ không cần thiết phải chọn thời điểm nào mới là thời điểm chuẩn để cho trẻ ăn dặm mà hãy nhìn vào các dấu hiệu sẵn sàng của trẻ

Bé sẽ mất khoảng 1-3 tháng để học kĩ năng. Mỗi bé có một sự phát triển khác nhau nên không thể đưa ra một con số chính xác là đến bao giờ bé mới chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Nếu con bạn cần ít hoặc nhiều thời gian hơn 1-3 tháng để hoàn thiện kĩ năng tập bốc thì cũng không sao cả.

Hãy nhớ bé là người chỉ huy và bé cũng là người hiểu rõ bản thân mình nhất, nên thay vì việc tìm một dấu mốc và lo lắng khi con không đạt được các dấu mốc đó, hãy tập trung tận hưởng khoảng thời gian này.

Kỹ năng của bé

Đôi tay: Khi mới bắt đầu, bé thường rất lóng ngóng. Thực phẩm ăn dặm được chế biến có vẻ quá trơn hoặc quá mềm, tay bé thì còn quá vụng về. Bạn sẽ thấy bé đưa tay ra có với lấy miếng thức ăn nhưng lại làm miếng thức ăn bị đẩy ra xa hơn. Hoặc bé dùng tay bốc rồi nắm thật chặt và vô tình bóp nát đồ ăn trước khi đưa được bất cứ thứ gì vào miệng.

Cảnh tượng khác, bé nắm được đồ ăn trong tay nhưng miếng đồ ăn thụt xuống bên dưới, bé cố gắng gặm nhưng chỉ gặm được vào tay. Bé có thể sẽ cảm thấy hơi bực bội và muốn bỏ cuộc.

Khả năng xử lý thức ăn:Ngoài việc tay xử lý đồ ăn còn chưa khéo thì miệng bé cũng sẽ gặp chút khó khăn. Bé thường sẽ đút vào miệng mình quá nhiều đồ ăn hoặc cắn một miếng quá lớn. Một số bé có thể bị ọe rất nhiều lần, ọe ra miếng thức ăn vừa nuốt hay thậm chí cả những thứ đã ăn cách đó hàng giờ.

Khi đã cho được thức ăn vào miệng thì bé nào cũng sẽ nhai được thức ăn nhưng chưa chắc đã nuốt được ngay lập tức. Nếu chưa biết nuốt, bé sẽ nhè miếng thức ăn ra bàn, lấy một miếng khác và nhai tiếp, hoặc bé sẽ ọe ra thức ăn và một chút sữa.

Một số bé có thể nuốt được miếng thức ăn ngay trong những ngày đầu tiên mới tập ăn dặm nhưng cũng có những bé phải mất thời gian lâu hơn, 1-2 tuần, thậm chí có bé cá biệt mất 1,5 tháng. Bạn sẽ biết bé nuốt được khi nhìn thấy thức ăn lổn nhổn trong phân của bé.

Hệ tiêu hóa: Ở giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé chỉ mới bắt đầu làm quen với việc ăn thức ăn ngoài sữa nên mẹ có thể thấy bé cho ra sản phẩm giống như những gì bé đã ăn vào (ăn gì ra nấy). Điều này thực sự không đáng lo ngại, theo thời gian, phân bé sẽ tốt dần lên, đến cuối giai đoạn 1 thì phân bé cũng mịn hơn một chút, có mùi và đỡ lổn nhổn hơn.

Thời gian lóng ngóng và vụng về của bé thường kéo dài khoảng 2- 4 tuần (có thể ngắn hay dài hơn), tùy từng bé. Sau thời gian này, bé sẽ thực sự cảm thấy thích thú với việc ăn uống và ăn được nhiều thứ hơn. Tay của bé sẽ dần dần trở nên linh hoạt và khéo léo hơn.

Bé sẽ vẫn cầm thức ăn bằng cả bàn tay cho đến khi đủ sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn bốc nhón nhưng sẽ không nắm quá chặt làm nát thức ăn nữa. Bé cũng bắt đầu biết điều khiển các cơ hàm để cắn và nhai nhỏ thức ăn trước khi nuốt, do đó tình trạng nghẹn và ọe sẽ ít hơn. Hệ tiêu hóa của bé cùng dần quen với việc xử lý các thức ăn thô và bé sẽ bắt đầu cho ra sản phẩm mịn hơn trước. Và hãy cẩn thận với mùi của chúng, bạn có thể sẽ cần tới khẩu trang đấy!!

Lượng ăn khi bắt đầu tập ăn dặm

Lượng sữa của bé tối thiểu 500 ml/ngày hoặc nếu bạn thấy bé không có các dấu hiệu dưới đây tức là bé đã ăn đủ so với nhu cầu của mình:

  • Bé quấy khóc không phải do ốm hay mọc răng hay bước vào giai đoạn tuần khủng hoảng (xem sách Nuôi con không phải cuộc chiến).
  • Bé ngủ không tốt, thường chỉ ngủ được dưới 45 phút; hay đòi bú vặt nhưng chỉ bú được 1 chút là nhả ra
  • Bé mệt mỏi lừ đừ
  • Nước tiểu bé có màu vàng sậm

Đồ thị phát triển của bé đi xuống hoặc mất cân đối (đồ thị triển thể chất sẽ bao gồm các yếu tố chiều cao, cân nặng, vòng ngực, vòng đầu, vòng bụng nếu có ít nhất hai trong số các yếu tố này không phát triển hoặc phát triển thụt lùi trong mọt thời gian liên tục 3 tháng trở lên bạn cần đến tư vấn bác sĩ) kéo theo đó là sự chậm phát triển về kỹ năng (Không phải cứ bé chậm phát triển kĩ năng theo lứa tuổi là do bé bú không đủ, nếu bé vừa có dấu hiệu chậm hoặc suy giảm phát triển thể chất vừa chậm phát triển kĩ năng thì hãy tới bác sĩ để tư vấn xem nguyên nhân có phải do bé không được cung cấp đủ dinh dưỡng hay không

Ở giai đoạn này, sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính của bé, do đó bạn không cần quan tâm xem bé ăn được bao nhiêu. Lúc này bé chỉ hấp thu được rất ít dinh dưỡng từ thức ăn, do đó thay vì quan tâm lượng ăn của bé, hãy chú trọng vào các kĩ năng bé tập luyện được. Bởi một em bé BLW phát triển bình thường có thể có kĩ năng tự ăn tốt khi nhu cầu cơ thể của bé với thức ăn thô tăng lên.

Mẹ nên làm gì ở giai đoạn này của con.

Đọc kĩ cuốn sách này và các tài liệu khác về phương pháp ăn dặm bé chỉ huy, về các dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm, an toàn trong ăn dặm, sơ cấp cứu khi xảy ra tình huống khẩn cấp, những lưu ý khi áp dụng phương pháp BLW và các thực phẩm thích hợp cho giai đoạn 1 cùng các hành vi của bé có thể xảy ra. Tham gia diễn đàn BLW trên facebook để học hỏi kinh nghiệm thực tế quý báu từ các mẹ.

Khi mới bắt đầu BLW, đồ ăn cho bé nên là các loại củ quả hấp chín vừa phải, không quá cứng nhưng cũng không nên chín mềm. Cách đơn giản nhất: Hấp đồ ăn trong nồi cơm điện khi bạn nấu cơm, đồ ăn vừa giữ được giá trị dinh dưỡng và bạn cũng không mất quá nhiều thời gian trong việc chuẩn bị đồ ăn cho bé.

Nên cắt theo dạng hình que cỡ 1- 2 ngón tay và sử dụng dao lượn sóng để tạo độ bám cho thức ăn giúp bé dễ cầm nắm. Vì mỗi em bé là các cá thể hoàn toàn khác nhau nên mẹ cần chú ý theo dõi bé mỗi ngày để điểu chỉnh thức ăn cho phù hợp. Không được cho ăn các loại thức ăn như rau lá, khoai bứ, các loại quả còn vỏ trơn, quả, hạt nhỏ, hình tròn khi bé mới tập nuốt và chưa biết nuốt hoặc chưa nuốt thành thạo .

Đồ ăn để trực tiếp lên khay của ghế ăn, bạn không cần phải chuẩn bị bát đĩa cầu kỳ làm gì vì chúng sẽ làm bé xao lãng. Ban đầu hãy bày tất cả các món lên bàn, mỗi món 1 miếng để bé lựa chọn, hoặc bạn có thể đưa cho bé từng món một.

Bạn có thể sẽ cảm thấy hơi lo lắng rằng con mình vụng về quá và sốt sắng giúp bé đưa miếng đồ ăn vào miệng - ồ không - đừng làm thế vì chính bạn đang cản trở việc bé học hỏi và phát triển kĩ năng đấy. Công việc của bạn khi bé ăn BLW chỉ là chuẩn bị một ít đồ và bày lên khay cho bé, tất cả những việc còn lại là của bé. Bạn có thể giúp, nhưng chỉ 1 chút thôi - đẩy miếng thức ăn lại gần tầm tay với của bé hoặc đẩy tay bé để bé đưa đồ vào miệng chính xác – nhưng nhớ là chỉ 1 chút thôi nhé.

Khi bé bị nghẹn và ọe, nếu bé vẫn vui vẻ ăn tiếp – hãy lau dọn sơ cho bé rồi để bé tiếp tục, nếu bé ọe và khóc lóc – hãy cho bé ra khỏi ghế, dỗ dành bé và dừng bữa ăn tại đó. Hãy cho bé bú sữa trước bữa ăn ít nhất 1 tiếng, để cho dù bé có ọe hết ra thì sữa cũng đã kịp tiêu hóa hết.Nếu sau khi bé ăn 1 giờ, bạn cho con ăn dặm BLW mà con trớ ra sữa chưa tiêu hóa, hãy kéo dài thêm 30-60 phút nữa rồi mới cho bé ăn dặm.

Thời điểm này bẽ đang tập luyện là chính, thậm chí có thể còn chưa biết nuốt trong 1-2 tuân đầu tiên nên bạn không cần phải lo làm như vậy con sẽ ăn vặt, hệ tiêu hóa của bé cũng chưa đủ trưởng thành để hấp thu được nhiều thức ăn thô nên bạn cũng không lo bé no mà chê sữa, vì vậy hãy làm theo hướng dẫn.

Nếu khi ăn bé trớ ra cặn sữa, thì tức là sữa đã tiêu hóa rồi thì bạn không cần phải lo lắng kéo dài khoảng cách bữa sữa bữa BLW, nếu bé trớ ra sữa còn loãng thì bạn nên kéo dài thêm 30-60 phút. Luôn nhớ cho bé ngồi thẳng lưng và không đưa thức ăn vào miệng hộ bé để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.

Nên tập cho bé ngồi ăn tại ghế nơi yên tĩnh tránh xao nhãng bởi TV hay điện thoại

Bạn cũng nhớ tắt hết tivi, dọn dẹp hết đồ chơi hay những thứ dễ làm bé xao lãng, vị trí ngồi ăn của bé cũng nên được cố định một nơi. Nên tập cho bé một thói quen ăn uống lành mạnh từ đầu – khi ăn phải ngồi vào ghế, tập trung vào việc ăn uống.

Nên cho bé ăn cùng bữa với gia đình bất cứ khi nào bạn có thể, còn nếu không được thì khi bé ăn người lớn nên hạn chế đi lại, nói chuyện xung quanh làm bé mất tập trung. Các em bé 6 tháng tuổi là những đứa trẻ vô cùng hiếu kỳ.

Hãy để cho bé được hoàn toàn chủ động khi ăn, tránh can thiệp quá nhiều vào việc ăn của bé. Có thể bé vụng về, có thể bé sẽ trét đồ ăn khắp người, nhưng bạn không nên liên tục lau người cho bé hay cố gắng cầm tay bé để chỉ bé cách làm.

Nếu bạn ngồi ăn mà có người cứ cầm khăn lau mặt bạn mỗi 5 phút và kéo tay bạn để tống thức ăn vào miệng thì bạn có thấy bực bội không? Bạn cũng không nên cho bé tập ăn khi đói hay khi buồn ngủ bởi khi đó hoặc là bé sẽ quấy khóc hoặc là không còn hứng thú để khám phá đồ ăn nữa. Ở giai đoạn này, bạn có thể cho bé tập ăn 1 bữa/ngày và nên ăn cùng gia đình.

 

Tin liên quan

Thong ke

Video