Trẻ em cảm bị khủng hoảng hoặc cáu kỉnh thường vì hai lý do.
Một là trẻ chưa bao giờ phải đối mặt và điều tiết cảm xúc, hoặc trẻ không có được những công cụ cần thiết để điều khiển cảm xúc của mình trong một tình huống hoặc sự kiện cụ thể.
Hai là bởi trẻ nhận ra khi cáu kỉnh, trẻ sẽ đạt được điều mình muốn nên mới tiếp tục cố tình làm như vậy.
Một đứa trẻ lần đầu tiên phải đối mặt với tình huống mình chưa từng trải qua, phản ứng của bé có thể là đối mặt hoặc né tránh nó, đây là kiểu phản ứng sinh tồn rất bình thường, và những tình huống khó khăn này có thể xảy ra rất thường xuyên, phổ biến, ví dụ khi trẻ ở trong trung tâm thương mại, trong xe ô tô hoặc ở nhà bà.
Nếu trẻ không thể tảng lờ đi vấn đề mình đang phải đối mặt, trẻ sẽ chiến đấu với nó, biểu hiện của cuộc chiến này chính là thái độ cáu kỉnh giận dữ của trẻ.
Nếu cha mẹ không kịp thời phản ứng lại với những tình huống này một cách hiệu quả, trẻ sẽ cho rằng sự khủng hoảng hoặc cáu kỉnh sẽ giúp bé đạt được mục đích và giải quyết được vấn đề. Khi trẻ gặp phải tình huống gây căng thẳng, thì nổi cáu và khiến bố mẹ nhượng bộ là điều mà trẻ muốn.
Trẻ không cần phải học cách giữ bình tĩnh, điều khiển nỗi lo lắng và đối phó với căng thẳng. Trẻ chỉ biết mình cần phải bộc lộ cảm xúc ra ngoài để bố mẹ lo là đủ.
Điều này không có nghĩa trẻ là đứa bé hư hay ngoan, đơn giản vì trẻ thấy hành động đó có tác dụng. Qua những lần như vậy, trẻ học được rằng: “Làm phiền người khác có thể giải quyết được vấn đề của mình” và vậy là trẻ tiếp tục cáu kỉnh để mọi người phải vây quanh xoa dịu rồi cuối cùng là nhượng bộ trẻ.
Về phía cha mẹ, họ cố gắng làm đủ mọi cách để khiến con bình tĩnh trở lại. Một số người có thể sẽ chọn giải pháp tiêu cực như: la hét lại trẻ, mắng mỏ hoặc đánh trẻ. Trong khi số còn lại chọn cách nhượng bộ. Cha mẹ bao giờ cũng rất kỵ với sư không thoải mái, không vui vẻ của con. Họ hiểu được rằng nếu họ không khiến con cái vui vẻ, thì con cái họ cũng sẽ làm họ không vui.
Khi trẻ nổi cơn cáu kỉnh và ăn vạ ở trung tâm thương mại, trẻ hiểu người bị mất nhiều hơn ở đây là bố mẹ chứ không phải là trẻ. Trẻ biết bố mẹ sẽ bị xấu hổ, không thể tiếp tục mua sắm, bị mọi người nhìn chằm chằm, cảm thấy mình như những ông bố bà mẹ xấu xa và nghĩ người xung quanh cũng nghĩ mình như vậy.
Nói tóm lại, trẻ không những không mất mà còn được, trong khi cha mẹ thì ngược lại. Trẻ không cần biết mọi người đang nghĩ gì, trẻ chỉ muốn điều khiển bạn và có được thứ trẻ muốn. Vô tình cha mẹ đã dạy trẻ rằng chỉ cần ăn vạ là mọi chuyện sẽ được giải quyết. Thực sự cũng dễ hiểu, vì con người thường không muốn thay đổi khi nhận thấy việc mình làm đem đến kết quả như mong đợi.
Nếu những cơn giận dữ có tác dụng với trẻ, có thể bạn sẽ thấy chúng tiếp tục diễn ra vào những lần sau. Nhưng một khi trẻ lớn hơn thì sự giận dữ này sẽ không đơn thuần chỉ là những cơn ăn vạ. Trẻ có thể sẽ đập phá đồ đạc, đe dọa và thậm chí là gây nguy hiểm hoặc ảnh hướng tới tính mạng người khác. Chính vì thế, những biểu hiện của sự cáu kỉnh khi còn nhỏ có thể sẽ là vấn đề rất lớn sau này.
Nguồn: Raised Happy