Cách tăng dần độ thô cho con theo từng giai đoạn trong ăn dặm kiểu Nhật
04/11/2019 17:11
Ăn dặm là bước chuyển mới cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tùy theo từng tháng phát triển của con mà mẹ phải học và biết cách tăng dần độ thô cho con, để giúp con tập nhai, phản xạ một cách tự nhiên nhất.
Cùng FamiCook tìm hiểu cách tăng dần độ thô cho con theo từng giai đoạn trong ăn dặm kiểu Nhật. Toàn bộ kỹ năng cách tăng dần độ thô cho con sẽ được phân chia rõ ràng theo 4 giai đoạn chính trong ăn dặm kiểu Nhật.
Giai đoạn 1: 5-6 tháng tuổi.
Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình ăn dặm hay còn được gọi là “Giai đoạn nuốt chửng”. Ở giai đoạn này bé bắt đầu có dấu hiệu hứng thú với bữa ăn của người lớn, phản xạ bú của bé cũng giảm dần, bé có thể ngồi vững, bé có biểu hiện nhanh đói.
Lúc này bạn có thể bắt đầu cho bé tập ăn dặm bằng các món dễ ăn, phù hợp với khả năng ăn thô của con.
Độ cứng cơ bản: Canh/súp
Giai đoạn bé chưa cử động lưỡi tốt, lưỡi chỉ có thể cử động ra phía trước và phía sau, vì thế bạn chế biến thức ăn ở trạng thái lỏng như canh/súp sao cho thức ăn di chuyển dễ dàng trong miệng. Bạn cho bé ăn khi bé đói, mỗi ngày 1 lần trước giờ cho bé bú sữa bắt đầu bằng cháo tỉ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước) đã rây mịn, thử cho bé từ 1 thìa. Mới đầu mỗi ngày chỉ nên cho bé ăn 1 loại thực phẩm.
Đối với cháo: cháo tỉ lệ 1:10 rây qua lưới 2, 3 lần thật mịn sao cho ko còn hạt cháo và thêm nước dashi để làm loãng cháo hơn. Sau khi bé quen giảm rây và giảm lượng nước dashi để cháo giảm độ loãng.
Đối với củ quả: hấp/luộc mềm rây nghiền ngay khi còn nóng sẽ dễ dàng hơn, cho thêm nước dashi để làm sánh
Đối với rau: lấy phần lá, luộc mềm, thái nhỏ theo hai chiều ngang và dọc, rây nghiền cho đến khi mịn
Đối với cá thịt trắng: sau khoảng 3 tuần bé đã quen với ăn dặm, bé có thể ăn cá thịt trắng (như cá tuyết, cá bơn, cá lưỡi trâu). Luộc, bỏ da và xương, thêm nước rây nghiền nhuyễn đến mịn.
Số lần ăn: Sau 1 tháng, lượng bé ăn được đã tăng lên thì chuyển 1 ngày tăng thêm 1 bữa phụ buổi chiều.
Lượng mục tiêu trong 1 lần:
Carbohydrate (tinh bột): cháo tỉ lệ 1:10 từng thìa một
Vitamin/khoáng chất (rau/hoa quả): từng thìa một
Chất đạm: đậu phụ 1 thìa hoặc cá thịt trắng 1 thìa
Giai đoạn 2: 7~8 tháng tuổi
Giai đoạn 2 hay còn được gọi là “Giai đoạn nhai trệu trạo”, ở giai đoạn này bé đã được làm quen với ăn dặm, mẹ bắt đầu tăng dần độ thô cho con bằng cách sử dụng nhiều loại thực phẩm hơn, cách chế biến, lượng thức ăn cũng tăng dần lên.
Độ cứng cơ bản: đậu phụ, bé có khả năng nhai trệu trạo và nhuốt được đậu phụ
Dấu hiệu chuyển từ giai đoạn nuốt chửng sang giai đoạn nhai trệu trạo:
Di chuyển lưỡi, đẩy thức ăn vào sâu trong miệng và nuốt chửng tốt.
Bé ham ăn hơn so với lúc đầu ăn dặm
Ngoài cháo ra, những thức ăn mà bé có thể ăn đc ví dụ như rau, cá thịt trắng đang nhiều lên.
Thời gian ăn dặm đã ổn định.
Bé có thể nghiền thức ăn bằng lưỡi và hàm trên. Cử động giống như khi ta đang càu nhàu. Dần dần cho thêm những thức ăn dạng hạt với độ cứng giống như đậu phụ. Một ngày, bạn cho bé ăn hai lần.
Đối với cháo: cháo tỉ lệ 1:7 (1 gạo, 7 nước). Nửa đầu giai đoạn 2, nấu cháo 1:7 chín mềm xong thì 8 phần rây, 2 phần còn lại nghiền thô bằng thìa rồi dần dần giảm lượng rây. Nửa sau giai đoạn 2 (7m rưỡi đến 8m) nấu cháo 1:7 xong chỉ cần nghiền thô bằng thìa
Đối với củ quả: nửa đầu giai đoạn hấp/luộc mềm, 8 phần rây, 2 phần còn lại nghiền thô bằng thìa rồi dần dần giảm lượng rây. Nửa sau giau đoạn chỉ cần nghiền thô, nếu muốn để lại hình dạng của thức ăn thì thái hạt lựu, luộc mềm như đậu phụ, tức là có thể nghiền nát bằng 1 lực nhỏ.
Đối với rau: nửa đầu giai đoạn luộc mềm, băm nhuyễn. Nửa sau giai đoạn luộc mềm, cắt nhỏ cả 2 chiều ngang và dọc.
Đối với cá thịt trắng: cá hấp/ luộc, bỏ da và xương rồi miết tơi trên bàn mài đinh khi còn nóng sau có thể gỡ thô bằng dĩa. Đối với thịt dù băm nhuyễn nhưng cấu trúc thịt vẫn ko tơi mềm bằng cá thì bạn có thể 8 phần rây, 2 phần còn lại giữ nguyên cấu trúc sau dần dần giảm lượng rây.
Số lần ăn: Bé đã có thể ăn 1 ngày 2 bữa. Chia 1 lần vào buổi sáng, 1 lần vào buổi chiều tối đã ổn định
Lượng mục tiêu trong 1 lần:
Carbohydrate (tinh bột): 50~80g
Vitamin/khoáng chất (rau, hoa quả): 20~30g
Chất đạm: + Cá 10~15g, hoặc thịt 10~15g, hoặc đậu phụ 30~40g, hoặc 1/3 lòng đỏ trứng gà, hoặc sản phẩm từ sữa 50~70g
Bước vào giai đoạn này, bé đã có thể ăn các sản phẩm từ sữa. Hãy bắt đầu cho bé tập ăn sữa chua, nhưng hãy dùng loại không đường.
Giai đoạn 3: 9~11 tháng tuổi
Giai đoạn 3 bắt đầu khi bé có khả năng "Nhai tóp tép", mẹ bắt đầu tăng dần độ thô cho con bằng các món ăn được chế biến có độ cứng cơ bản như chuối. Bé làm quen dần với các thức ăn thô, dùng hàm nhai, nghiền nát thức ăn rồi nhuốt.
Độ cứng cơ bản: Chuối
Lưỡi cử động lên xuống. Bé đã có thể đẩy thức ăn đến hàm, nghiền nát hoặc gặm bằng răng cửa . Mục tiêu độ cứng là giống như chuối.
Đối với cháo: cháo tỉ lệ 1:5 (1 gạo, 5 nước) trạng thái vẫn còn hình dạng hạt gạo. Dần dần bé đã quen thì chuyển sang cháo tỉ lệ 1:3 (1 gạo, 3 nước) cháo đặc nguyên hạt.
Đối với củ quả: hấp/ luộc đến khi đạt được độ cứng có thể nghiền nát bằng ngón tay. Cắt 5~6mm.
Đối với rau: luộc mềm. Cắt nhỏ hai chiều ngang dọc. Để bé cảm thấy hơi cứng khi cắn.
Đối với cá thịt trắng: luộc, bỏ da và xương, cắt miếng 5~8mm
Đặc trưng lớn của giai đoạn này là bé có nhu cầu tự ăn. Nếu để đồ ăn trước mặt, bé sẽ bốc và đưa vào miệng. Bốc ăn thể hiện bé tìm hiểu hình dáng của thức ăn và các cảm giác bằng ngón tay nên ko được ngăn cản bé.
Từ tháng thứ 9 trở đi, lượng sắt mà bé nhận được khi ở trong bụng mẹ giảm đi nên cần phải biết các nguyên liệu có nguồn sắt phong phú ví dụ như thịt đỏ, cá và gan và cố gắng đưa vào thực đơn của bé.
Số lần ăn: 1 ngày 3 lần. Chúng ta tạo thói quen về bữa ăn cho bé thành 1 ngày ăn 3 bữa. Tạo không khí ăn uống vui vẻ cho bé cùng gia đình cũng rất quan trọng.
Lượng mục tiêu trong 1 lần:
Carbohydrate: cháo tỉ lệ 1:5 (cháo nguyên hạt) 90g, cháo tỉ lệ 1:3 (cơm nát) 80g
Vitamin/khoáng chất: rau/hoa quả 30~40g
Chất đạm: Cá 15g, hoặc thịt 15g, hoặc đậu phụ 45g, hoặc nửa quả trứng cả lòng trắng và lòng đỏ, hoặc sản phẩm từ sữa 80g
Ở giai đoạn này mẹ có thể bắt đầu cùng con, hướng dẫn con cách tập thìa, cách sử dụng ống hút. Ngoài ra mẹ cũng nên cho bé tập ăn thêm các loại sữa và chế phẩm từ sữa, chi tiết cách sử dụng mẹ có thể xem tại ĐÂY
Giai đoạn 4 12~18 tháng tuổi
Giai đoạn cuối cùng trong ăn dặm kiểu Nhật là "Giai đoạn nhai thành thạo". Ở giai đoạn này bé đã hoàn thành tốt kĩ năng ăn uống sau quá trình tập luyện trước đó. Mẹ bắt đầu tăng dần độ thô cho con chuyển từ cháo sang cơm nát và các loại thức ăn cứng hơn.
Độ cứng cơ bản: mục tiêu độ cứng như thịt viên
Bé đã có thể cứ động cả lưỡi và cằm một cách thuần thục. Răng hàm cũng bắt đầu mọc nên bé có thể nhai nát thức ăn
Đối với cơm: cơm nát. Hơi nhiều nước hơn so với cơm bình thường, trạng thái mềm. Khi bé đã quen thì chuyển sang cơm.
Đối với củ quả: hấp/luộc đến khi đạt độ cứng có thể cắt dễ dàng bằng dĩa, cắt miếng to vừa miệng.
Đối với rau: luộc mềm. Cắt rộng 1cm. Bé cảm giác được xơ.
Đối với cá thịt: luộc, bỏ da và xương, cắt miếng to vừa ăn. Bé cảm giác được thớ của miếng cá.
Số lần ăn: 1 ngày 3 bữa chính và 1 bữa phụ
Lượng mục tiêu trong 1 lần:
Carbohydrate: cơm nát ~ 90g, cơm ~ 80g
Vitamin/khoáng chất: rau/hoa quả: 40~50g
Chất đạm: Cá 15g~20g, hoặc thịt 15g~29g, hoặc đậu phụ 50g~55g, hoặc trứng 1/2 ~ 2/3 cả quả, hoặc sản phẩm từ sữa 100g
Ở trong giai đoạn này bé đã có thể ăn được rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau, đa phần các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đều được cơ thể bé hấp thụ tốt. Tuy nhiên ở giai đoạn này, mẹ vẫn nên cho bé ăn nhạt, ít chất béo để cơ thể quen dần, tránh việc hại thận của bé.
Nếu như giai đoạn trước mẹ bắt đầu tập thìa cho bé, thì ở giai đoạn này bé đã có thể sử dụng thìa, từ những bữa ăn mẹ phải đút giờ bé có thể làm chủ bữa ăn của mình. Việc bé tự ăn sẽ hơi bừa bộn khiến mẹ dọn dẹp vất vả một chút, nhưng mẹ hãy để cho bé tự làm như vậy con sẽ thấy thích thú và vui vẻ hơn.
Một số lưu ý trong quá trình tập tăng dần độ tho cho con.
Trong quá trình tập tăng dần độ thô cho con việc bé nôn ọe, không nhuốt sẽ xảy ra nhưng mẹ đừng quá lo lắng, mẹ hãy tăng dần độ thô cho con từ từ sau đó bé sẽ quen dần và mẹ sẽ thấy bé có khả năng ăn tốt cực kỳ.
Nếu thấy bé nôn ọe mà mẹ sợ bỏ đi thì mẹ đã khiến bé mất đi các kĩ năng nhai, nhuốt chửng, sau này tập lại cho bé cũng khá khó khăn vất vả cho mẹ và bé.
Mẹ luôn tạo không khí vui vẻ, thực sự bình tĩnh, kiên nhẫn cùng con ăn dặm. Thực hiện nguyên tắc để con tự nguyện không ép con ăn.
Lên thực đơn ăn dặm đa dạng, phong phú, không trùng lặp các bữa gây cho bé tình trạng chán ăn, bỏ bữa. Tưởng tượng nếu cả ngày người lớn chỉ ăn một món ăn cũng chán, bé cũng vậy.
Không thúc giục, dọa dẫm, nịnh nọt khi bé không thích ăn. Không so sánh bé với các bạn, các anh chị bên cạnh khi ăn dặm.
Hãy cố gắng không sử dụng mắm, muối, đường trước 1 tuổi cho bé. Mẹ hãy sử dụng các nguyên liệu, gia vị phù hợp với con.
Hãy là những người mẹ dũng cảm, kiên định trong cách tăng dần độ thô cho con. Mẹ hãy giúp con ăn ngoan, cùng con phát triển toàn diện từng ngày từng ngày. Dù mẹ có bất cứ khó khăn hay thắc mắc nào hãy trao đổi trực tiếp với Ăn dặm 3in1 tại địa chỉ: https://m.me/andam3in1